Thứ 5, 09/05/2024 06:21:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:33, 20/06/2011 GMT+7

Người con có hiếu

Thứ 2, 20/06/2011 | 09:33:00 1,010 lượt xem

Cứ theo những gì lịch sử ghi chép lại về triều đình phong kiến cuối cùng ở nước ta thì từ vua Minh Mạng rồi qua Thiệu Trị đến Tự Đức là cả một sự phát triển “chất thi sĩ” trong hoàng tộc nhà Nguyễn, đặc biệt là với vua Tự Đức. Ông có thể xứng danh là nhà thơ vì sở thích, năng khiếu và sự nghiệp văn chương. Phải chăng đó là gien di truyền từ đời “ông” tới đời “cháu”. Tuy vậy, có người đời sau đã trách vua Tự Đức rằng suốt 36 năm ngự trị trên ngai vàng ông ta chỉ biết tập trung vào việc xướng họa thơ văn.

Lời trách ấy xem ra chưa hẳn là đã hoàn toàn đúng, bởi vua Tự Đức không phải chỉ là người nổi tiếng về thơ, văn mà ông còn là con người chí hiếu. Chuyện kể lại rằng, đám tang của vua Thiệu Trị được để đến 8 tháng mới đưa cũng là một cách biểu hiện “hiếu sự” của vua Tự Đức. Và với vua Tự Đức, đây là một quan niệm sống, một cách trị dân, trị nước của ông: “Hiếu vi bách hạnh chi tiên”.

Trong mắt vua Tự Đức, mẫu hậu Từ Dũ là nhất. Đối với mẹ, Tự Đức nhất mực vâng lời tôn kính không dám trái ý. Nhà vua luôn luôn cố gắng tỏ ra là một người con hiếu thảo, ngoan ngoãn, thậm chí còn nhỏ dại với mẹ. Xuất phát từ quan điểm lấy hiếu làm gốc nên với vua Tự Đức, hàng tháng nếu ngày lẻ thì ông ngự triều, ngày chẵn thì vào chầu mẹ và cứ như thế ông thực hiện suốt 36 năm trời không hề sao nhãng. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc nhà đến việc nước, mọi việc lớn bé thế nào vua Tự Đức đều thỉnh tôn ý của mẹ. Khi bà Từ Dũ ban câu gì hay, nhà vua đều ghi chép lại rồi sau đó tổng hợp lại thành sách và gọi là “Từ huấn lục”.

Cho đến bây giờ, không ít người dân trong kinh thành Huế biết về việc làm hiếu nghĩa của vua Tự Đức. Và câu chuyện ấy vẫn được người dân xứ Huế nhắc lại để dạy bảo con cháu. Chuyện kể rằng, trong một lần đi săn ngoài kinh thành, ở khu vực rừng Thuận Trực, gặp lúc trời mưa to gió lớn, nước lụt khắp vùng. Vua Tự Đức muốn về nhưng không cách nào ra khỏi khu rừng. Trong khi đó bà Từ Dũ ở trong cung vô cùng nóng ruột, vì ngày mai là ngày giỗ của tiên đế nên bà đã sai đại thần Nguyễn Tri Phương dẫn quan quân đi đón, nhưng mãi tới gần tối thì vua Tự Đức mới về đến bến sông. Dù khi ấy trời vẫn còn đang mưa tầm tã, song nhà vua vẫn sai kiệu đi thẳng đến cung mẹ lạy xin chịu tội. Bà Từ Dũ nằm xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng. Nhà vua khổ tâm, sai lấy một cây roi mây, đặt trên mâm son dâng lên để trên trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Một lúc lâu sau, bà Từ Dũ mới xoay mặt ra hất cây roi rồi nói:

- Thôi, tha cho! Đi chơi để mọi người lo lắng, quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta rồi sớm mai đi hầu kỵ.

Lời bàn:

Theo sử cũ thì vua Tự Đức có đến trên 100 bà vợ, nhưng cuối cùng ông ta vẫn rơi vào bi kịch: tuyệt tự. Và mặc dù hết lòng hiếu thảo nhưng thật oái oăm và nghiệt ngã thay, vì chính bản thân vua Tự Đức lại phải mang tội đại bất hiếu. Vì theo quan niệm của chế độ phong kiến ngày xưa thì “Bất hiếu hữu tam, vô hại vi đại”. Có nghĩa là người đàn ông mà không có người nối dõi tông đường (không có con trai) là đại bất hiếu. Nhà vua phải nuôi ba đứa cháu ruột là Ưng Chân (con của Hồng Y Thái Thoại Vương), Ưng Đường và Ưng Đăng (con của Kiên Thái Vương) làm dưỡng tử để kế vị sau này.

Có lẽ tư tưởng phong kiến ngày xưa vẫn rơi rớt ở đâu đó, nên ngày nay vẫn còn có những người “sợ mang tội bất hiếu”, nên họ tìm cách để có bằng được “người nối dõi tông đường”. Và chính vì thế mà đã có người sẵn sàng hy sinh đời bố để “củng cố” cho đời con. Lại có người sẵn sàng ly dị người bạn đời sau bao nhiêu năm chung sống và thậm chí có cả người chấp nhận thân bại danh liệt để có người “kế nghiệp”. Tiếc rằng, trong số những người ấy chưa thấy ai được người đời tôn vinh, mà ngược lại chỉ thấy tiếng chê cười. Vì thực tế có không ít người mong cho có con trai, nhưng con chẳng những không bằng bố mà lại còn là kẻ “phá gia chi tử”, hết chơi bời lêu lổng lại đến hút chích và như vậy thì có cũng chẳng bằng không.

N.N

  • Từ khóa
109324

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu