Thứ 5, 09/05/2024 07:13:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:51, 16/06/2011 GMT+7

Chuyện về thánh thơ

Thứ 5, 16/06/2011 | 14:51:00 591 lượt xem

Cao Bá Quát được người đời tôn vinh là “Thánh Quát” - ông thánh về thơ và văn chương. Nhưng trong thực tế đời thường, ông không chỉ là người giỏi văn chương mà còn là người biết mượn tiếng cười để chế giễu những thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại và kể cả nhà vua.

Câu chuyện về bài thơ Cao Bá Quát làm để vạch mặt tên lý trưởng làng mình là một minh chứng. Chuyện kể rằng, ngày đó làng ông thuê thợ đắp hai con voi ở cổng đình, nhưng lý trưởng tìm cách ăn bớt tiền công và đám thợ đắp đã cố tình làm thiếu một chi tiết. Cao Bá Quát thấy vậy đã làm một bài thơ trên lưng voi rằng:

Khen ai khéo đắp đôi voi,
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi.
Chỉ có cái kia... sao chẳng đắp;
Hay là lý trưởng bớt đi rồi?

Một lần khác, Cao Bá Quát nghe nói có người bạn cũ đã được thăng quan tiến chức và ông tìm đến để hỏi thăm. Nhưng cả hai lần ông đến đều bị người bạn cũ từ chối không tiếp và còn cho lính hầu ra nói: Quan đang còn ngơi, không được quấy rầy ngài. Ngay lúc đó, Cao Bá Quát lấy giấy bút ra viết một phong thư chỉ có bốn câu rồi gửi vào:

Một buổi hầu rồi một buổi ngơi;
Đâu còn nhớ chữ “viễn phương lai”!
Mới sang chừng ấy, ngơi chừng ấy;
Sang nữa thì ngơi biết mấy đời.

Khi về làm giáo thụ ở Quốc Oai, Cao Bá Quát đã có lần đùa với các viên quan địa phương bằng cách ông cho học trò lên núi để bình văn. Có người thấy vậy đã hỏi sao ông không bình văn ngay trong trường hay ở nhà học trong phủ để các vị quan trên cùng tham dự. Ông khảng khái trả lời rằng:

- Lên núi bình văn cho khỉ nó nghe, chứ ở phủ thì ai hiểu gì.

Với nhà vua, Cao Bá Quát cũng chẳng từ nan. Chuyện kể rằng có lần biết vua Minh Mạng tuần du Hà thành và sắp đi qua khu vực hồ Tây, Cao Bá Quát liền cởi bỏ quần áo và nhảy xuống hồ để tắm. Khi vua Minh Mạng đi qua, đám lính thấy vậy đã bắt Cao Bá Quát đến trình vua. Nhà vua hỏi, Cao Bá Quát xưng là học trò và nhà vua đã ra câu đối với điều kiện đối được thì tha, bằng không sẽ phải chịu đòn.

Nói xong, vua Minh Mạng đọc câu đối rằng: Nước trong leo lẻo cá đớp cá.
Cao Bá Quát chẳng cần suy nghĩ mà đọc luôn: Trời nắng chang chang người trói người.
Khi đùa với mình thì ông dán đôi câu đối tức cảnh về cái nghề dạy học bị triều đình coi rẻ:
Nhà trống bốn gian, một thầy một cô, một chó cái.
Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Lời bàn:

Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Thơ ông phong phú trong nội dung cảm hứng: Tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương xứ sở, với người thân, sự đồng cảm nhân ái với những con người lao khổ; niềm tự hào với quá khứ lịch sử dân tộc và có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều chính đương thời. Đặc biệt qua thơ văn, Cao Bá Quát còn bộc lộ một tâm hồn phóng khoáng và một trí tuệ sáng suốt tiếp nhận những hương vị, những màu sắc mới lạ khác với cái nhìn truyền thống của những người đương thời.

Và trong cái đùa cợt với đời, với cả bản thân, trong tâm hồn Cao Bá Quát chất chứa cả nỗi bất bình với thời cuộc, với triều đình phong kiến, với một xã hội đầy rẫy những bất công. Vì thế, trong thơ văn cũng như trong hành động của Cao Bá Quát còn thể hiện tư tưởng độc lập khác với cái Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ. Bởi với Nguyễn Công Trứ thì lập nghiệp là để giúp vua, để chu toàn nghĩa quân thần; còn với Cao Bá Quát thì lại mang cả cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh. Do đó, không một ai lấy làm lạ là về sau ông đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn.

N.N

  • Từ khóa
109323

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu