Thứ 5, 09/05/2024 01:09:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:59, 09/05/2011 GMT+7

Giai thoại về Gia Long

Thứ 2, 09/05/2011 | 14:59:00 2,939 lượt xem

Triều đại nhà Nguyễn trị vì gần 150 năm (1802-1945) và trải qua 13 vị vua. Nhà Nguyễn được mở đầu từ Nguyễn Ánh, sinh vào ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (tức ngày 8 tháng 2 năm 1762), là con trai thứ 3 của Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn. Theo sử cũ, khi còn nhỏ Nguyễn Ánh còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chủng và Noãn. Năm ông 4 tuổi, cha ông bị quyền thần Trương Phúc Loan bắt giam và chết trong ngục. Năm ông 9 tuổi (1771), khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Năm ông 13 tuổi (1775), chúa Nguyễn bị chúa Trịnh và quân Tây Sơn đánh kẹp từ hai mặt, ông cùng chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam rồi vượt biển vào Gia Định.

Năm 1777, cả Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương cùng anh ruột Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Đồng và một số người trong gia tộc khác bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ bắt giết, chỉ có một mình ông thoát nạn ở Long Xuyên. Sau đó, ông chạy ra đảo Thổ Chu và được Bá Đa Lộc là một giám mục người Pháp che chở.

Năm 1778, khi Nguyễn Ánh được 17 tuổi, các tướng tôn ông làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Ông nhanh chóng tổ chức cai trị, phân chia hành chính đất Gia Định dưới sự cố vấn của Bá Đa Lộc, xây dựng chiến lũy phòng thủ và củng cố lực lượng thủy bộ, đặt quan hệ ngoại giao với Xiêm La.

Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bửu” làm ấn truyền quốc, phong cho Đỗ Thanh Nhơn chức Ngoại hữu, Phụ chính, Thượng tướng công. Sau đó ông ra sức củng cố và mở mang Phiên An trấn (vùng Sài Gòn - Gia Định - Long An hiện giờ) với mục đích biến vùng này thành căn cứ địa chống Tây Sơn.

Suốt một phần tư thế kỷ, Nguyễn Ánh đã trải qua vô vàn gian nan để xây dựng vương nghiệp. Bị Tây Sơn lùng đuổi ráo riết, Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Phú Quốc, có lúc trôi dạt về Cà Mau, có khi lang bạt tận Xiêm La. Lắm lúc lương thực không còn, phải ăn trái cây, bốc cơm nguội, mắm ruốc... Thế nhưng số phận vẫn ưu đãi Nguyễn Ánh, phò trợ ông thoát khỏi hiểm nguy, thu giang san về một mối.

Vào tháng 7 năm 1783, Nguyễn Ánh đang bị quân Tây Sơn vây bủa ở Côn Lôn. May thay, lúc đó giông tố nổi lên, sóng biển dữ dội làm cho thuyền của quân Tây Sơn bị đắm nên Nguyễn Ánh mới thoát. Cũng năm 1783, bị Tây Sơn rượt đuổi, Nguyễn Ánh lội qua sông Đặng (Vàm Cỏ) gặp cá sấu, ông vội nhảy lên một con trâu trên bờ cỡi qua sông và thoát được. Lại có lần ông chuẩn bị ra khơi, thì một con cá nhỏ nhảy tung vào thuyền, cũng có lúc một bầy rắn đội thuyền lên, lại có lúc bị một con kỳ đà “cản mũi”... Những lúc đó ai cũng coi việc ấy là “điềm xấu xuất hành” và làm cho Nguyễn Ánh cùng đám quan quân chùn chân. Nhưng không ngờ nhờ vậy mà ông đã thoát hiểm, không bị Tây Sơn chặn bắt ngoài biển.

Trên đây là một số giai thoại về Nguyễn Ánh. Và vượt qua tất cả những gian khổ trong chinh chiến, những cơ may ấy đã đưa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, trở thành Thế Tổ Cao Hoàng đế - Gia Long vào ngày 12-5-1802 và là vị vua đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn và là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Lời bàn:

Thánh nhân ngày xưa đã dạy rằng: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tức là con người ta khi sinh ra vốn đã là thiện. Bởi lẽ, một đứa trẻ chưa biết nói, chưa biết cười và chưa biết đi và cũng chẳng biết gì về cuộc sống hiện thực thì làm sao có thể biết yêu, biết ghét hay biết giận, biết hờn hoặc cao hơn nữa là biết căm thù và biết quyết chí làm một việc gì đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: Hiền dữ đâu phải là tính sẵn; Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Lời dạy của các vĩ nhân xưa và nay là vậy, nhưng tiếc rằng cho đến nay vẫn có không ít người tin rằng con người ta có số và mặc dù chẳng ai biết đó là số mấy, tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hay ác. Lại có nhiều người thấy người khác nói như vậy rồi cũng nói và tin theo. Chẳng lẽ những kẻ cướp của, giết người hay tham nhũng rồi phải vào tù cũng là vì cái số của những người này phải vậy? Không ai ấn định cho ai là phải làm vua, làm quan hay dân thường, mà ngay cả như Nguyễn Ánh trong giai thoại trên cũng vậy. Nếu ông ta không có ý chí phi thường và quyết tâm cao độ để vượt qua gian khổ, khó khăn và cả hiểm nguy, cùng với sự may mắn thì làm sao ông ta có thể trở thành vua?

N.N

  • Từ khóa
109317

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu