Thứ 5, 09/05/2024 05:10:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:15, 15/03/2011 GMT+7

Duyên và nợ

Thứ 3, 15/03/2011 | 16:15:00 196 lượt xem

Chuyện kể lại rằng, ngày xưa ở huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình) có một cậu học trò tên là Nguyễn Bá Dương. Tuy hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, nhưng bù lại cậu học trò này rất chăm chỉ sách đèn, lại có tiếng thông minh. Một ngày kia, theo lời khuyên của cha mẹ, anh cố gắng lên kinh sư Thăng Long tìm thầy học để hy vọng được ngày thành đạt. Đến kinh thành, anh đến xin ở trọ trong một gia đình người quen nhưng cũng chẳng khá giả gì. Vì thế, anh phải tự mình lo lấy việc ăn uống. Không có tiền mua giấy để tập viết và làm nháp, anh dùng que vạch lên đất, lên lá chuối, rồi viết cả vào mặt bàn, mặt ghế, chỗ nào cũng có sơn mực nhằng nhịt nhem nhuốc.

Hằng ngày, trên đường từ nhà trọ đến nơi học, Nguyễn Bá Dương vẫn thường đi qua chợ Hoàng Mai. Vì thấy anh đi lại nhiều lần nên một chủ quán quen mặt rồi bằng lòng cho anh mua chịu một số vật dụng. Nhưng sau vì mua thiếu nhiều quá nên bà chủ quán không bán nữa, cố đón đường đòi nợ. Hai ba lần khất, có hôm bà chủ nhất quyết không nghe, đòi lột áo của anh. Chèo kéo mãi giữa đường, người chung quanh xúm lại chê cười. Giữa lúc bối rối ấy, có một cô gái đi qua rồi đặt gánh xuống và tỏ lời can ngăn, nhưng chủ nợ vẫn không thôi buông áo. Cô gái bực mình liền cởi tiền lưng ra trả hộ cho anh, rồi quảy gánh đi ngay. Nguyễn Bá Dương vội vàng chạy theo cám ơn và xin cho biết tên họ. Cô gái xua tay:

- Tôi thấy cậu là học trò, bị xấu hổ với người ta nên giúp đỡ một chút, chứ có mong đền đáp gì đâu, vì thế không cần phải nói tên tuổi ra làm gì.

Vừa nói cô gái vừa thoăn thoắt bước đi. Không còn cách nào khác, Nguyễn Bá Dương đành phải ngơ ngẩn quay về. Khi ấy, ở bên cửa hàng vẫn còn có nhiều người bàn tán về cử chỉ đẹp đẽ của cô gái kia. Thế rồi Nguyễn Bá Dương kín đáo lắng nghe để biết được tông tích của cô gái. Cũng nhờ đó mà Nguyễn Bá Dương biết được cô gái kia là người ở làng Kẻ Mơ. Từ đó, chàng trai thận trọng hơn, chăm chỉ hơn, chuyên tâm hẳn vào việc học. Thế rồi Nguyễn Bá Dương đã vượt qua tất cả các kỳ thi một cách dễ dàng và cuối cùng anh đã đỗ tiến sĩ, cùng khoa với Ngô Thì Sĩ.

Khi khó ngăn thì chẳng ai nhìn, nay đỗ ông nghè mới có lắm người thăm hỏi. Nguyễn Bá Dương vẫn nằm khoèo ở nhà trọ chờ buổi vinh quy. Thế rồi một ngày kia có một mệnh phụ là phu nhân của viên quan to trong triều, đánh tiếng để chọn ông làm con rể hoặc cháu rể. Bà cho kiệu đến đón vị tiến sĩ về, mở tiệc to, giới thiệu con cháu của mình rồi cho phép ông muốn kết duyên với ai cũng được. Nguyễn Bá Dương nhất quyết chối từ, chỉ xin được lấy cô gái làng Kẻ Mơ dạo trước.

Bà mệnh phụ phu nhân này cũng là người biết nghĩ. Thấy thái độ cương quyết của Nguyễn Bá Dương như vậy, bà liền cho người mai mối và đưa xe ngựa đến đón cô gái làng Kẻ Mơ kia về làm vợ cho ông nghè.

Lời bàn:

Người xưa vẫn thường nói rằng “Có chí thì nên” hay “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Và với anh chàng thư sinh trong giai thoại trên quả là không sai. Dù gia cảnh nghèo khó, song Nguyễn Bá Dương vẫn không nản mà ngược lại càng chí thú dùi mài kinh sử và bao công lao cùng với sự nỗ lực của anh ta đã được đền đáp bằng việc tên tuổi được ghi trong bảng vàng. Ngày nay, những tấm gương hiếu học như Nguyễn Bá Dương không phải là thiếu. Hằng năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều nêu gương những học sinh nghèo khó nhưng đã biết vượt lên hoàn cảnh và thi đậu từ 2 đến 3 trường đại học. Thậm chí có nhiều em nhà nghèo nhưng vẫn đậu thủ khoa của hai trường. Những tấm gương ấy quả đáng khâm phục.

Thế mới hay rằng, một khi con người ta đã quyết chí thì việc gì cũng có thể làm được. Song, chuyện ơn đền, nghĩa trả thì không phải tất cả những người có chí đều làm được như Nguyễn Bá Dương ngày xưa. Bởi thế cho nên ngày nay có không ít người sau khi được “vinh quy” đã vội quên đi những ngày tháng khó khăn, cơ hàn của mình. Thậm chí có không ít người khi đã thành tài, được đi nước này nước kia và vì miếng cơm manh áo mà họ sẵn sàng rời bỏ cả quê hương, nơi họ đã sinh ra và nuôi dưỡng họ trưởng thành. Nếu tất cả mọi người đều như Nguyễn Bá Dương ngày xưa và Giáo sư Ngô Bảo Châu ngày nay thì đất nước này chắc chắn sẽ sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu.       

N.N

 

 

  • Từ khóa
109311

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu