Thứ 3, 21/05/2024 00:21:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:30, 18/12/2018 GMT+7

Kinh tế hàng hải - nhìn từ cảng biển

Thứ 3, 18/12/2018 | 13:30:00 69 lượt xem

BP - Đảng ta xác định đến năm 2030 đưa đất nước trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Để thực hiện được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, trong đó vai trò của ngành hàng hải đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Kinh tế hàng hải: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển…”; đồng thời kinh tế hàng hải được xếp vào ưu tiên số 2 trong phát triển các ngành kinh tế biển.

Bài viết này đề cập về hoạt động của các cảng biển, trọng tâm kinh tế hàng hải nước ta.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Nước ta có tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển nhờ có vùng biển rộng, bờ biển dài, chỉ số hàng hải cao gấp 5-6 lần so với thế giới. Cảng biển là một trong 5 kết cấu hạ tầng giao thông, cửa ngõ của hàng hóa xuất nhập khẩu và là đầu mối chuyển đổi các phương thức từ vận tải biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Do đó, hệ thống cảng biển và các dịch vụ logistics (1) gắn với khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine), cả nước hiện có 49 cảng biển được phân loại. Trong đó, 17 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 9 cảng biển loại III. Đặc biệt, có 10 cảng biển lớn được xem là cánh tay đắc lực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập cùng thế giới. Tổng sản lượng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2017 đạt 536,4 triệu tấn hàng, mức độ sử dụng của hệ thống cảng đạt gần 99%. Lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam hiện đã tăng trưởng ổn định, trung bình khoảng 10%/năm.

Một góc cảng Hải Phòng

Từ những con số và khả năng thu hút đầu tư những năm qua khẳng định, kinh tế từ cảng biển đã đạt được những thành tựu tích cực, nhất là từ sau khi một số cảng biển thực hiện cổ phần hóa. Số liệu thống kê cho thấy, dù doanh thu và sản lượng vận tải tại các cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng tăng không nhiều nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều đạt cao sau khi cổ phần hóa. Lý giải về thực tế doanh thu tăng ít, lợi nhuận tăng nhiều sau cổ phần tại các cảng biển lớn ở Việt Nam, chuyên gia trong ngành cho rằng, đó là do sau khi cổ phần hóa việc quản trị doanh nghiệp đã tốt hơn rất nhiều. Lãnh đạo các cảng thực hiện nhiều bài toán chi phí tối ưu và doanh nghiệp tự quản nên ít bị thất thoát. Bên cạnh đó, sau khi cổ phần, nhiều dịch vụ gia tăng tại các cảng được quy về một mối thay vì bị phân chia bởi các nhóm lợi ích sân sau nên sản lượng hàng hóa cũng như doanh thu tuy không tăng nhiều nhưng lợi nhuận lại tăng cao. Doanh nghiệp từ các cảng biển phát triển mạnh tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo dự báo tại quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu thông qua hàng hóa bằng đường biển khoảng 640 triệu tấn và đến năm 2030 đạt khoảng 1,1 tỷ tấn.

KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Nhiều năm qua, việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển đã được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ nhằm thúc đẩy, khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn này. Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu nhưng kinh tế cảng biển Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ cảng biển nhìn chung còn thiếu tính đồng bộ, khả năng kết nối thấp, quy định mức khung giá lạc hậu... Theo đánh giá của hãng tư vấn Alphaliner (Tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới) thì Việt Nam đã quy hoạch hệ thống cảng container khá yếu kém và chính sách cho ngành cảng biển chưa tốt. Alphaliner cho rằng, ở Việt Nam đang có tình trạng vừa thừa công suất khai thác vừa phát triển quá manh mún ở các nhóm cảng. Những năm qua, mặc dù Việt Nam thu hút đầu tư thành công nhưng điều đó chưa đi kèm với hệ thống chính sách tốt để các nhà khai thác cảng quốc tế có thể hài lòng với khoản đầu tư của họ. Tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển của nước ta là năng lực quản trị kém, bộ máy cồng kềnh, chi phí lớn, sức cạnh tranh yếu. Vì vậy, các cảng biển cần chủ động sáng tạo để đổi mới, tự đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động là lối thoát duy nhất giúp các cảng biển tiếp tục trụ vững và phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập.

Cảng biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương. Nước ta có 3.260km bờ biển, đây là lợi thế lớn để phát triển hệ thống cảng biển. Hoạt động giao thương hàng hải mà trong đó hệ thống cảng biển đóng vai trò quan trọng, quyết định sự vươn ra toàn cầu của quốc gia. Để triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó kinh tế hàng hải là ưu tiên số 2, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương có biển và xây dựng cảng biển ngang tầm thế giới. (*)

Đức Hồng

(*) Bài viết tham khảo nguồn
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam

(1) Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Logistics hiểu một cách đơn giản nhất, là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Logistics có thể tạm dịch một cách gần nghĩa là “hậu cần”.

  • Từ khóa
111360

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu