Thứ 2, 29/04/2024 01:37:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:46, 26/03/2024 GMT+7

Con át chủ bài

Thanh Quang
Thứ 3, 26/03/2024 | 09:46:33 921 lượt xem
BPO - Nhân quyền - hiểu theo một cách nôm na nhất, đó là quyền con người. Nói đến nhân quyền, có thể khẳng định, rất ít quốc gia trên thế giới bảo đảm tốt, đầy đủ và chu đáo như Việt Nam. Từ khi mới lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền lực đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều ở nơi dân. Và chúng ta dành hẳn một chương trong Hiến pháp 2013 để hiến định về quyền con người. Ấy vậy mà, không hiểu do bản năng, do xuyên tạc nhiều thành quen hay do ghen ăn tức ở mà các thế lực thù địch, phản động lại rất hay chĩa mũi dùi cắn xé, đâm chọc, dựng chuyện, bịa đặt về tình hình nhân quyền của Việt Nam.

Nhất cử, nhất động của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực nhân quyền đều nằm trong tầm ngắm của các thế lực thù địch, chỉ chờ có cơ hội là chúng chồm lên cắn xé, ngay cả khi Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, chúng cũng không tha. Trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin hải ngoại, chúng liên tục lên án, vu cáo, sỉ nhục, phủ nhận những nỗ lực, cố gắng và thành tựu trong việc bảo đảm nhân quyền của Đảng, Nhà nước. Chúng cho rằng: “Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) công bố hôm 12-1-2024 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ “u ám”. Ngoại trưởng Mỹ thì nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Những điều đó chưa đủ nhục nhã hay sao mà còn chai mặt xin tái ứng cử thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nữa?”. 

Thật nực cười! Việc Việt Nam tái ứng cử đã thể hiện vị thế, uy tín quốc tế trên trường quốc tế rất cao; khẳng định những đóng góp to lớn của Việt Nam khi là thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tham dự phiên họp cấp cao khóa 55 HĐNQ Liên hợp quốc ngày 26-2-2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội cho bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới. Bộ trưởng cũng chia sẻ Việt Nam đã thực hiện gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019 trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (viết tắt là UPR)(1). Thành tích, đóng góp, cống hiến đó của Việt Nam đương nhiên phải được Liên hợp quốc, HĐNQ và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ghi nhận, công nhận, đánh giá cao thì chúng ta mới có thể tự tin vận động họ bỏ phiếu bầu chúng ta vào HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 chứ? Thử hỏi, nếu chúng ta không bảo đảm tốt nhân quyền cho người dân Việt Nam, không hoàn thành tốt vai trò thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 thì chúng ta có dám tự tin, vận động các nước ủng hộ ta làm thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 không? Đương nhiên là không rồi! Cái chân lý đó, thiết nghĩ những học sinh cấp 1, cấp 2 cũng hiểu được, cớ đâu bọn phản động, thù địch lại không hiểu? 

Việt Nam hiện là một quốc gia hòa bình, ổn định, không có chiến tranh, không có xung đột sắc tộc, tôn giáo, không có bạo lực tràn lan, mọi người dân được phép làm những việc pháp luật không cấm. Cuộc sống ngày càng ấm no, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Chúng ta đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Việt Nam đã và đang nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Luật Trẻ em; nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm; quy định cụ thể định nghĩa quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động 2019... 

Song song đó, Việt Nam cũng thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày một tăng. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo được ưu tiên hàng đầu (tối thiểu 20%) trong tổng chi ngân sách; tạo điều kiện để người dân được học liên tục mọi nơi, học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau. Nước sạch và vệ sinh môi trường vùng nông thôn luôn được quan tâm và ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta cũng đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong tăng cường tiếp cận thông tin rộng khắp của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước hiệu quả với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ nhà báo và phóng viên trước mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực; tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tôn giáo hợp pháp được thành lập, hoạt động và phát triển. Quan tâm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thực hiện tốt nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người trong các tầng lớp nhân dân. Thế thì, nói Việt Nam: “Hễ ai không cùng tiếng nói, phản biện xã hội trái ngược với ý kiến lãnh đạo, hoặc các hoạt động dân chủ nhằm để chính phủ chịu lắng nghe tiếng nói người dân, là bị bắt bỏ tù hết sạch” có công tâm, khách quan? Hay là kiểu hậm hực, tức tối, mù quáng, quy chụp trắng trợn? 

Tóm lại, nhân quyền vẫn luôn là con át chủ bài được các thế lực thù địch, phản động sử dụng để chống phá Việt Nam. Nhưng, như ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: Mặc tiếng chó sủa, đoàn lữ hành vẫn tiếp tục bước. Thế nên, dù có rắp tâm chống phá thì thành tựu nhân quyền của Việt Nam vẫn rất to lớn, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, là cái tát vả thẳng mặt các thế lực thù địch.

(1) UPR là một cơ chế của HĐNQ Liên hợp quốc. UPR định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Cơ chế này nhằm bổ sung, không trùng lặp với hoạt động của các cơ chế nhân quyền khác, bao gồm cả các cơ quan điều ước nhân quyền của Liên hợp quốc. Đây là cơ chế nhân quyền quốc tế đầu tiên giải quyết vấn đề nhân quyền ở tất cả quốc gia và tất cả quyền con người. Nhóm làm việc về UPR, bao gồm 47 quốc gia thành viên của HRC và do Chủ tịch HRC chủ trì, tiến hành việc rà soát một quốc gia.

  • Từ khóa
192709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu