Chủ nhật, 28/04/2024 21:36:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:07, 12/03/2024 GMT+7

Tất cả cùng thắng

Thanh Quang
Thứ 3, 12/03/2024 | 09:07:51 1,345 lượt xem
BPO - 2023 là một năm rất thành công của công tác đối ngoại Việt Nam. Đây còn là “điểm sáng nổi bật” trong bức tranh Việt Nam năm qua: “Rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao”, thể hiện rõ nét trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Với tinh thần “Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tích cực, hiệu quả”, ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế quốc tế của đất nước, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm qua, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã có 22 chuyến thăm các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, cùng với đó là hàng trăm cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước tại diễn đàn, hội nghị quốc tế. Trong số đó, có những chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử, như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Mới đây, ngày 7-3-2024, Thủ tướng hai nước Việt Nam - Australia đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Cũng chính vì lẽ đó, các thế lực thù địch, phản động lại giở thói “ghen ăn tức ở”, “chọc gậy bánh xe” nhằm hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Trên trang mạng xã hội “Tập hợp dân chủ đa nguyên” có bài viết: “Những điều vô lý kỳ cục trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam” với những luận điệu đi ngược lại chính sách vì lợi ích quốc gia - dân tộc, cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam hòng phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển đất nước của chúng ta. Mở đầu, chúng cho rằng “chính sách ngoại giao cây tre là một thứ ngoại giao đáng khinh, bất chấp lẽ phải, không có bạn, chỉ kiếm lợi”(?). Luận điệu này đã bộc lộ rõ bộ mặt thật, âm mưu phá hoại, tư tưởng chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị, xuyên tạc đường lối ngoại giao của chúng. Trong khi vào tháng 1-2024, tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (WEF Davos 2024), khi được hỏi về cơ hội của Việt Nam trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn trả lời: Đó là xu thế tất yếu dựa trên quy luật về cạnh tranh, quy luật cung - cầu. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Các nước chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững khi lựa chọn cách tiếp cận “cùng thắng”, tôn trọng sự lựa chọn của mỗi quốc gia, xây dựng lòng tin dựa trên sự chân thành, đoàn kết và cân bằng lợi ích. Đó cũng chính là định hướng lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, không hề “đáng khinh” như bọn chúng rêu rao! Để chứng minh điều đó, hãy cùng điểm qua một số thành tựu của Việt Nam:

Trước hết, Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại quốc tế, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Kế đến, Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia, vùng lãnh thổ (gồm 192/193 nước thành viên Liên hợp quốc). Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Chỉ tính riêng năm 2023, chúng ta chứng kiến những sự kiện quốc tế tích cực, đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc; Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; cùng với đó là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Đó là những dấu ấn lịch sử quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, trang tin “Tập hợp dân chủ đa nguyên” còn bịa đặt, công kích rằng thực chất Đảng ta không theo “ngoại giao cây tre” mà chọn chia sẻ tương lai chung với Trung Quốc, lệ thuộc vào Trung Quốc. Nên nhớ rằng, Việt Nam và Trung Quốc đang tập trung xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nhìn lại những năm qua, từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu thực chất trên tất cả lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. 4 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ (327,2 tỷ USD), Nhật Bản (157 tỷ USD), Hàn Quốc (153,4 tỷ USD) và Australia (116,1 tỷ USD). Năm 2023, kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc đạt 114,5 tỷ USD đánh dấu mức tăng 40,6% so với năm 2022 và lần đầu tiên đưa Nga vào danh sách 5 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Những năm gần đây, các địa phương ở Trung Quốc đưa vào vận hành và khai thác nhiều tuyến đường sắt liên vận kết nối với châu Âu, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên. Tháng 11-2023, Trung Quốc và Uruguay đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này cho thấy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, khát vọng chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy, không thể nói, cứ hợp tác với Trung Quốc là “lệ thuộc”!

Những thành tựu đã đạt cũng như thực tiễn sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là minh chứng rõ ràng nhất cho đường lối “ngoại giao cây tre” để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam mà các thế lực thù địch rắp tâm chống phá.

  • Từ khóa
191395

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu