Chủ nhật, 28/04/2024 23:47:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:23, 07/03/2024 GMT+7

Không thể xuyên tạc lịch sử

Trần Tú
Thứ 5, 07/03/2024 | 09:23:24 3,131 lượt xem
BPO - “Đào, Phở và Piano” là bộ phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng đang gây “sốt” phòng vé cũng như mạng xã hội những ngày gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như nhiều khán giả, đây là bộ phim về đề tài lịch sử có nội dung hay, ý nghĩa, được đầu tư một cách chỉn chu cả về phần nghe lẫn phần nhìn và khi xem phim, mọi người dễ dàng sống dậy tinh thần yêu nước. Trước việc một bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận như nêu trên, giới “dân chủ” cũng nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc, công kích. Thậm chí, chúng còn đưa ra những lời lẽ phản trắc, phủ nhận lịch sử dân tộc.

“Đào, Phở và Piano” là bộ phim lấy bối cảnh từ cuộc chiến 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947) bảo vệ thủ đô của quân và dân Hà Nội. Lợi dụng sức nóng của bộ phim, các đối tượng xấu, chống đối cũng nhanh chóng tung ra những luận điệu xuyên tạc. Núp dưới danh nghĩa bình luận phim, “nhặt sạn” trong phim, không ít kẻ đã lồng ghép các thông tin lệch lạc. Việt Tân, Chân trời mới Media, Tiếng dân News cùng các đối tượng “dân chủ” tay sai là những kẻ tích cực lan truyền trên mạng xã hội các luận điệu sai trái như: “Cái mình sợ nhất ở phim này là cách dựng phim nó làm cho người ta tưởng nhầm Pháp định giết hết mọi người và người nào ở lại cũng đều chết cả”, “mình khuyến cáo mọi người hãy coi đây là một câu chuyện có thể có một chút sự thật nhưng mà nó chắc chắn không phải là lịch sử”, “bộ phim bịa từ đầu đến cuối”, “tuyên giáo đang tăng cường tuyên truyền phim Đào để dắt mũi dư luận”... Từ một bộ phim điện ảnh, chúng đã phù phép, khoác lên đó những mưu mô thâm độc. Thế mới thấy, trí tưởng tượng của giới “dân chủ” phong phú đến nhường nào. Chúng sẵn sàng “ăn không nói có” để có thể đạt được mục đích chống phá hèn hạ, tiểu nhân.

Bộ phim “Đào, Phở và Piano” được “thai nghén” bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đó là câu chuyện tình yêu giữa anh lính tự vệ tên Dân và Hương - cô tiểu thư Hà thành. Vì kháng chiến mà hai người đã thất lạc nhau, đến khi gặp lại, họ chỉ còn chưa đầy nửa ngày để làm đám cưới. Đó là hình ảnh chú bé đánh giày đau đáu nhớ về những ngày tháng bình yên và ước ao có một chiếc mũ cảm tử quân. Đó là vợ chồng ông bán phở mong có người thưởng thức… Nói về các nhân vật trong bộ phim, trong cuộc phỏng vấn Tạp chí Người Hà Nội năm 2022 (trước khi bấm máy bộ phim), đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ: “Tất cả họ đều yêu thành phố này bằng một tình yêu thuần khiết dù mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Và vì yêu mảnh đất này nên họ đồng lòng bảo vệ nó, không vì lý tưởng cao siêu gì. Cho nên, bộ phim sẽ không nói về lòng dũng cảm mà nói về chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội của người Hà Nội”. Dù có tranh cãi nhưng rõ ràng bộ phim đã truyền tải tinh thần, cốt cách, tình yêu và ý chí quyết tâm bảo vệ thủ đô của người dân Hà Nội.

Quay lại với những lời lẽ được giới “dân chủ” tung ra nêu trên, không khó để thấy chúng đang cố tình đánh tráo lịch sử. Vì sao chúng ta phải chiến đấu? Vì sao chúng ta phải hy sinh? Vì sao quân và dân Hà Nội phải chiến đấu 60 ngày đêm? Xin thưa, đã là con người, ai sinh ra cũng có tính cầu sinh, cũng mong được hạnh phúc. Tuy nhiên, vì đất nước, vì dân tộc mà người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung sẵn sàng hy sinh tất cả để “đất nước đứng lên”. Vào thời điểm đó, hơn 6.500 quân Pháp được trang bị xe tăng, đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại để tấn công thủ đô. Trong bối cảnh đất nước vừa giành được chính quyền, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, giặc Pháp đã bội ước và thể hiện rõ dã tâm tiếp tục xâm lược Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Trước tình hình đó, chúng ta phải thực hiện một cuộc tổng di chuyển toàn bộ các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ ra khỏi Hà Nội về căn cứ địa Việt Bắc cũng như di chuyển cơ sở vật chất, kho tàng, máy móc, vũ khí, vật tư, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, tiền bạc, các trang thiết bị và dân cư ra khỏi vùng chiến sự. Bởi vậy, không còn cách nào khác là quân và dân thủ đô phải đấu tranh để “giam chân” địch. Vì đất nước, vì độc lập, vì tự do, những đội quyết tử quân, vệ quốc quân, dân quân, tự vệ đã thề “Sống chết với thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Với những người từng “đứng bên kia chiến tuyến”, đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều đã gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta quên lãng, phủ bụi lịch sử. Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào đòi hỏi một bộ phim điện ảnh như “Đào, Phở và Piano” phải khắc họa chính xác 100% những gì đã xảy ra trong quá khứ như phim tài liệu. Đơn giản, phim điện ảnh là làm lại, quay lại và mang trong đó ý đồ của người làm phim. Chính những nhân vật trong “Đào, Phở và Piano” cũng không phải là những nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, bộ phim đã làm cho mọi người nhớ lại những năm tháng hào hùng của Hà Nội trong kháng chiến. Bộ phim đã truyền tải được lòng yêu nước, truyền cảm hứng cho người xem nghiên cứu, tìm hiểu, thấu hiểu về lịch sử dân tộc. Đó chính là thành công của bộ phim.

Có thể có người thích, có thể có người không thích bộ phim “Đào, Phở và Piano”. Tuy nhiên, không vì vậy mà xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô. Đó là hành động quay lưng với dân tộc, “ăn cháo đá bát” cần phải lên án.

  • Từ khóa
191140

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu