Chủ nhật, 28/04/2024 22:56:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:21, 23/02/2024 GMT+7

Phản bác luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực

Hồng Phúc - Quyết Thắng
Thứ 6, 23/02/2024 | 09:21:18 1,966 lượt xem
BPO - Khi xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, các luận điệu xuyên tạc cho rằng tham lam là bản chất của con người, vậy mà chỉ dùng hô hào suông về đạo đức thì sẽ không thể chống được tham nhũng.

BÀI CUỐI
VỀ CÁI GỌI LÀ “ĐẢNG CHỈ HÔ HÀO SUÔNG VÀ KHÔNG THỂ CHỐNG THAM NHŨNG CHỈ BẰNG ĐẠO ĐỨC”

Trước hết phải khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chống tham nhũng, tiêu cực chỉ bằng hô hào suông mà kết hợp cả giáo dục, tu dưỡng về đạo đức với xử lý kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh.

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam suốt 10 năm qua không khó để nhận thấy công tác này đã đi từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công. Tấn công trên diện rộng với nguyên tắc vào cuộc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” từ Trung ương tới cơ sở, từ khu vực công sang khu vực tư… Trong 10 năm qua đã có 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương) bị xử lý kỷ luật. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý. Nhìn vào con số này làm sao có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ hô hào chung chung, làm sao có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam không thật lòng chống tham nhũng, tiêu cực? Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Những con số nhức nhối nêu trên là minh chứng, chứng cứ bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc khi cho rằng “cuộc chiến chống tham nhũng là thất bại”. Những kết quả này cũng là minh chứng khẳng định nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, đã và đang được triệt để thực hiện trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.     

Vì sao một mặt vừa xử lý nghiêm minh bằng kỷ luật Đảng, bằng pháp luật của Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đề cao giáo dục và rèn luyện đạo đức để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Ngày 10-9-2021, Bộ Chính trị thống nhất đổi tên “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Như vậy, Đảng đã chính thức tấn công trực diện vào gốc rễ của tham nhũng đó là vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên. Khi cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất tất sẽ dẫn tới tiêu cực, từ tiêu cực dẫn tới tham nhũng và sẽ là con đường rất ngắn nếu không có các giải pháp kịp thời để ngăn chặn. Khi xuyên tạc về nội dung này, các luận điệu cho rằng việc đề cao giáo dục đạo đức cách mạng chẳng qua là sự bế tắc về quản lý đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ cao nên hô hào giáo dục đạo đức chẳng qua là để vuốt đuôi (!?). Rằng bản chất con người là tham nên chỉ hô hào giáo dục và tu dưỡng đạo đức sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả mà chỉ có pháp luật nghiêm minh mới có thể mang lại hiệu quả… Thoạt nghe, những lập luận ngụy biện này có vẻ có lý và trong thực tế các luận điệu này cũng đã mê hoặc được không ít người vốn chỉ lớt phớt đọc qua. Thế nhưng đi sâu bản chất vấn đề thì những luận điệu kiểu này chỉ là những luận điệu ngụy biện và không đúng với xu thế hướng thiện của con người nói chung, với bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.

 Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều bị thực dân bắt, kết án tù, giết hại! Vì đâu mà hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên, những người yêu nước đã ngã xuống trên con đường đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân? Trong suốt những năm dài ấy, cứ lớp này ngã xuống thì lớp khác đứng dậy nối gót bởi họ tin vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đề cao giáo dục đạo đức, tu dưỡng rèn luyện đạo đức trước hết để mỗi đảng viên khi nghĩ về các lớp cha anh sẽ luôn tự hào và biết giữ mình hơn để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bao lớp người, để khi thực hiện công việc cẩn trọng hơn, cân nhắc hơn, nghĩ về lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân nhiều hơn. Cũng vậy, giáo dục đạo đức, tu dưỡng rèn luyện đạo đức để người dân nhìn vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và qua đó phê phán những thói hư, tật xấu của mỗi người giúp họ tiến bộ hơn, trưởng thành hơn. Vậy nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới khẳng định “Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà còn dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái tốt át đi cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng”.

 Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng không phải đến nay mà đã từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là đức và tài. Ngay từ những bài giảng đầu tiên cho lớp cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 đến Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tại sao phải đề cao giáo dục đạo đức và đạo đức cách mạng? Chúng ta đều biết rằng con người có lý trí, vì vậy con người luôn dùng lý trí của mình để điều chỉnh hành vi, con người bao giờ cũng luôn hướng về những điều cao cả, tốt đẹp. Nhìn lại công cuộc chống dịch Covid-19 vừa qua, đã có những giám đốc của đơn vị y tế móc ngoặc, tham ô, song hãy xem cả đất nước này có bao nhiêu giám đốc như vậy. Tại sao cùng giữ chức vụ như nhau, cùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà có người tham nhũng, có người liêm chính? Vậy thì đâu phải tất cả do pháp luật nghiêm minh mà đó chính là do tự ý thức về trách nhiệm, bổn phận và tự rèn luyện đạo đức.

Cần khẳng định rằng quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng không có nghĩa là không tiến hành kỷ luật Đảng nghiêm minh và xử lý nếu cán bộ, đảng viên vi phạm. Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng những năm qua, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua đã xử lý kỷ luật, truy tố hàng loạt cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng… Đó là những con số “biết nói” để khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiến hành song song hai nhiệm vụ: Vừa giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên nhưng cũng đồng thời tiến hành kỷ luật nghiêm minh và xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm.

Vấn đề giáo dục đạo đức, tự rèn luyện đạo đức không phải là đặc trưng riêng có của những người cộng sản Việt Nam mà nó vẫn mang giá trị phổ quát. Dưới chế độ phong kiến, cha ông chúng ta khi ra làm quan bao giờ cũng nằm lòng lời dặn của người xưa: “Qua điền bất nạp lý/ Lý hạ bất chỉnh quan” (Không nên xỏ giày giữa ruộng dưa, không nên chỉnh lại mũ dưới cành mận) bởi rất dễ bị nghi ngờ. Ở nơi mà pháp luật không soi chiếu tới thì đã có đạo đức điều chỉnh hành vi. Thiện - ác đều có trong mỗi người, thanh liêm hay tham lam đều có ở mỗi người giống như hai mặt sáng và tối.

Đi vào con đường sáng để trước hết không vô ơn, không phản bội lại lý tưởng của những lớp người đi trước đã đổ máu xương, thứ nữa để không hổ thẹn với chính mình, với cộng đồng xã hội và để không vướng vào vòng lao lý bởi “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất” như Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở. Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để “tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”16.

Rõ ràng, kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác, chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi. Vì vậy, trong tác phẩm về chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”17. Không chỉ đề cao giáo dục đạo đức, liêm sỉ, Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định cần “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Ngay ở những trang mở đầu của cuốn sách, tác giả đã viết: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”. Đã nhiều lần Tổng Bí thư khẳng định phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế. Đây chính là quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, hiệu quả chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc rằng Đảng và Tổng Bí thư chỉ hô hào chung chung về đạo đức. Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế, nếu chúng ta không quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì môi trường đầu tư của Việt Nam liệu sẽ còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài? Vì vậy, những gì người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam viết trong cuốn sách này không chỉ là thông điệp tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân mà còn là thông điệp và cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hơn 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những minh chứng sống động phản bác hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.

16  Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.40
17  Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.46

  • Từ khóa
190050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu