Thứ 2, 13/05/2024 12:47:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:13, 06/01/2024 GMT+7

Lại luận điệu “bẻ lái” xuyên tạc

Anh Tú
Thứ 7, 06/01/2024 | 09:13:03 3,027 lượt xem
BPO - Những ngày qua, câu chuyện về xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm trưng bày tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành đề tài “nóng” nhận được nhiều sự bàn luận của cộng đồng. “Mượn gió bẻ măng”, không ít đối tượng xấu đã bẻ lái thông tin, lợi dụng vụ việc để tạo cớ tấn công chính quyền.

“Những người cộng sản luôn tuyên truyền coi mình là vô thần, nhưng chính họ lại mê tín, cúng dường, xây chùa chiền nhiều nhất”, “ma tăng, báo đảng, cặp đôi hoàn hảo lừa người, dối Phật’’, “chính quyền cộng sản đang lợi dụng mê tín dị đoan để lừa dối người dân nhằm dễ cai trị”, “chính quyền Việt Nam ngăn cản nhiều người thực hiện quyền tự do tôn giáo nhưng lại để chùa Ba Vàng tuyên truyền mê tín”… là những luận điệu đang được nhiều đối tượng xấu rêu rao, tuyên truyền nhằm “dắt mũi” dư luận. Bất chấp việc các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh làm rõ bản chất vụ việc thì những “loa làng dân chủ” vẫn cố tình đạo diễn, thêu dệt ra nhiều kịch bản tiêu cực, “chính trị hóa” vụ việc để công kích chính quyền.

Theo thông tin được chùa Ba Vàng đưa ra, xá lợi tóc được trưng bày là một trong 8 sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương gia người Myanmar từ 2.600 năm trước. Nhiều phật tử đã hành hương đến chùa Ba Vàng để lễ bái cầu phúc và chiêm ngưỡng xá lợi tóc Đức Phật. Ngược lại, cũng có không ít người hoài nghi về nguồn gốc của xá lợi tóc này. Ngay khi dư luận xuất hiện những thông tin nghi hoặc, trái chiều, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh sự việc; chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu có vi phạm. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng có văn bản trao đổi, đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc xá lợi tóc Đức Phật để có thông tin chính thức về sự việc; chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo, xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm. Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã chỉ đạo, yêu cầu chùa Ba Vàng báo cáo vụ việc và gỡ bỏ tất cả giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật trên các trang thông tin của chùa. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước ta nhận thức rõ, mê tín dị đoan nếu không được bài trừ sẽ gây bất ổn xã hội, cản trở quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Bởi vậy, không có chuyện chính quyền hay giáo hội “tiếp tay cho mê tín dị đoan” như lời các đối tượng “dân chủ” thêu dệt, tô vẽ ra.

Tại Việt Nam, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Đi liền với đó, Nhà nước cũng nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm an ninh quốc gia, xâm hại đạo đức xã hội, gây chia rẽ dân tộc; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi… 

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được chú trọng. Thực tiễn cho thấy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đang diễn ra hết sức sinh động. Về cơ bản, các tín đồ, chức sắc, tu sĩ đều chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định trong giáo lý, giáo luật; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Dĩ nhiên, cũng có lúc, có nơi đã xuất hiện những hành vi biến tướng, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, đây chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không đại diện cho toàn xã hội. Tại diễn đàn Quốc hội năm 2019, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm các giáo luật”. Mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm quy định tùy tính chất, mức độ vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của giáo luật, pháp luật.

Không khó để nhận thấy các đối tượng xấu, thế lực thù địch luôn triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Một mặt, chúng truyền bá, cổ xúy, rao giảng về những thứ “tự do tôn giáo” cao hơn chủ quyền, vượt trên pháp luật quốc gia; dụ dỗ, xúi giục, kích động người dân tham gia hoạt động biểu tình chống đối chính quyền, thậm chí là vượt biên trái phép; dung túng, giúp sức, hỗ trợ các đối tượng cực đoan, phản động trong tôn giáo ở trong nước câu kết, móc nối với các cá nhân, tổ chức phản động ở hải ngoại để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam… Mặt khác, những kẻ này lợi dụng các vấn đề liên quan đến tôn giáo được dư luận quan tâm để “thêm mắm, thêm muối”, thổi phồng, nói quá, quy chụp thành bản chất của đời sống tôn giáo nước nhà. Mục đích chúng hướng đến là gây hoang mang dư luận, tạo kẽ hở để lôi kéo, tập hợp quần chúng, hình thành lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước.

Tôn giáo, tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân cũng như bảo đảm mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với mọi hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

  • Từ khóa
186190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu