Thứ 6, 10/05/2024 13:58:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:46, 05/12/2023 GMT+7

Trò “mượn gió bẻ măng”

Thảo Linh
Thứ 3, 05/12/2023 | 10:46:57 1,563 lượt xem

BPO - Ngày 30-11-2023, trang tin của Đài Á châu tự do (RFA) - một trang tin chống cộng cực đoan đăng bài viết của tác giả Nguyễn Anh Tuấn với tựa đề: “Sự lạc điệu của một phái đoàn”. Bài viết kể về hoạt động tranh luận của phái đoàn Việt Nam tại phiên rà soát việc thực thi Công ước Xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc (CERD), diễn ra ngày 29-11-2023 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tất nhiên, câu chuyện được kể bằng giọng điệu xuyên tạc như lâu nay RFA vẫn thường làm. Bài viết có đoạn: “Trước câu hỏi đơn giản của một thành viên Ủy ban CERD, là nếu Luật An ninh mạng của Việt Nam cấm xúc phạm người nổi tiếng, thì hãy định nghĩa người nổi tiếng gồm những ai? Phái đoàn Việt Nam đã trả lời lan man tới mức chủ tọa phải nhắc…”. Điều đáng nói là tác giả bài viết cùng RFA lại mượn câu chuyện bị bóp méo này để đả kích, xuyên tạc hoạt động của Quốc hội Việt Nam, rằng “thay vì là nơi các quan điểm khác biệt va đập với nhau, sinh hoạt Quốc hội ở Việt Nam mang màu sắc hiệp thương, kiểu mặt trận với những đại biểu cầm giấy ê a đọc. Ngay cả những phiên chất vấn Chính phủ được kỳ vọng nóng bỏng nhất thì lại quá nể nang, né tránh, chẳng hề có dáng dấp của một phiên điều trần ở các xứ dân chủ tự do”...

Trước hết cần khẳng định: Từ nhiều nhiệm kỳ qua, hoạt động tranh luận trực tiếp tại nghị trường Quốc hội Việt Nam luôn diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Thông qua tranh luận đã làm sáng tỏ các vấn đề được thảo luận, chất vấn, đồng thời thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của đại biểu Quốc hội trong hoạt động nghị trường. Đây cũng là hình thức trao đổi ý kiến mang tính dân chủ và văn minh, rất phổ biến ở các nghị trường châu Âu mà tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã ngưỡng mộ gọi là “các phiên điều trần ở các xứ dân chủ tự do”. Suốt nhiều nhiệm kỳ qua, không một kỳ họp Quốc hội nào ở Việt Nam lại không được truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình quốc gia để người dân, cử tri cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động của Quốc hội. Qua đó, đại biểu nào thường đăng đàn chất vấn và chất vấn sâu, chất vấn đến cùng nhưng có lý, có tình sẽ được cử tri cả nước tin tưởng, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình. Ngược lại, đại biểu nào ít tham gia tranh luận hoặc tranh luận mang tính hình thức, đối phó thì chắc chắn cử tri sẽ không tin tưởng chọn làm người đại diện cho mình vào nhiệm kỳ sau. Thậm chí có đại biểu nào đó, vì mệt mỏi hay vì lý do sức khỏe, nhỡ “chợp mắt” một chút thì hình ảnh ấy cũng “được lên sóng” truyền hình quốc gia kia mà! Suốt hai nhiệm kỳ XI, XII đến nay câu nói được truyền miệng ở chốn nghị trường “Nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Trung tướng, đại biểu Nguyễn Quốc Thước; Giáo sư, đại biểu Nguyễn Lân Dũng; Giáo sư, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân và đại biểu Dương Trung Quốc - nhà sử học) đã cho thấy rõ những đại biểu làm nên “thương hiệu” chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Không khí tranh luận sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao và những nội dung tranh luận thiết thực của các vị đại biểu Quốc hội nêu trên luôn được thể hiện bằng tư duy mới, hướng tới những giá trị mới. Nó giống như chất xúc tác, thổi luồng sinh khí cho hoạt động nghị trường, khiến người dân và cử tri cả nước luôn quan tâm theo dõi và chờ đợi họ lên tiếng.

Đến những kỳ họp gần đây, các vấn đề thiết thực mà cuộc sống đặt ra và được đưa vào luật như: Việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn theo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước; hay tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm… đã làm nóng nghị trường thông qua các ý kiến tranh luận sôi nổi của đại biểu. Có những kỳ họp 11 đại biểu đã sử dụng quyền giơ bảng để tranh luận, thậm chí có những tấm bảng giơ cao khi thời gian thảo luận đã hết cho thấy rõ tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước sức nóng của những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Vậy mà tác giả Nguyễn Anh Tuấn và trang tin RFA lại cố tình xuyên tạc, rằng các đại biểu Quốc hội của Việt Nam chỉ cầm giấy ê a đọc; rằng “các cuộc tranh luận nghiêm túc vắng bóng trên đời sống chính trị dòng chính ở Việt Nam”…

Từ nhiều năm qua, thông qua truyền hình trực tiếp, không chỉ cử tri cả nước mà các nhà quan sát nước ngoài đều thấy rõ các kỳ họp Quốc hội Việt Nam là nơi đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri cả nước bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, những kẻ núp bóng “dân chủ, nhân quyền” không ngừng suy diễn, xuyên tạc rằng Quốc hội hoạt động không hiệu quả nên các kỳ họp Quốc hội là không cần thiết. Chúng phủ nhận mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, “đòi” Quốc hội là tổ chức độc lập. Thậm chí, có kẻ còn loạn ngôn rằng Đảng hoạt động ngoài hiến pháp và pháp luật, yêu cầu phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước ta. Để chống phá Quốc hội, trước mỗi kỳ bầu cử, chúng mở chiến dịch bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín và phủ nhận những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Khi nghị trường Quốc hội nóng lên vì tranh luận, chúng xuyên tạc rằng các nhóm đại biểu đấu đá nhau vì “lợi ích nhóm”. Lợi dụng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chúng cố tình làm méo mó các vấn đề thảo luận, tìm cách khoét sâu vào những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, lấy hiện tượng để quy thành bản chất và quy kết đó là do những hạn chế về hoạt động của Đảng, Nhà nước, Quốc hội…

Không biết tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã xem hết một buổi truyền hình trực tiếp nào về hoạt động chất vấn của Quốc hội Việt Nam hay chưa. Nhưng cứ như nhận xét của tác giả này thì có lẽ mỗi kỳ họp Quốc hội phải có người bị ném giày, bị giật micro hay bị mạt sát thì mới thực sự là “tự do”, là “dân chủ” chăng (!?).

  • Từ khóa
183336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu