Thứ 7, 11/05/2024 21:45:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:00, 08/08/2023 GMT+7

Hồi chuông báo động

Thanh Quang
Thứ 3, 08/08/2023 | 10:00:34 4,295 lượt xem
BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Hay như Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói “Hồn Tổ quốc ngự trong lòng tuổi trẻ. Họ yếu hèn đất nước sẽ nguy vong”. Thấm nhuần câu nói đó, có lẽ đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng suy văn hóa trong một bộ phận giới trẻ ngày nay.

Hệ lụy của lối sống ảo

Vừa rồi, một nhóm nhạc Hàn Quốc qua Việt Nam biểu diễn, từ đó đã xuất hiện một số câu chuyện buồn rất đáng để chúng ta lưu tâm. Đó là chuyện nhiều bạn trẻ vì cuồng thần tượng mà sẵn sàng tìm mọi cách để có tấm vé của đêm diễn. Họ đã nói dối cha mẹ rằng cần tiền gấp để đóng học phí, mua tài liệu, phương tiện học tập mà đang tâm ngửa tay lấy của cha mẹ khoản tiền không nhỏ, thậm chí lên đến hơn chục triệu đồng để mua vé vào xem hai đêm diễn của thần tượng. Số tiền đó không phải gia đình nào ở quê cũng sẵn có, nhiều bậc cha mẹ nghe con nói vậy phải đôn đáo chạy vạy, vay chỗ nọ, mượn chỗ kia hòng có tiền gửi cho con vì sợ con bị đuổi học, sợ con học thua kém bạn bè. Họ có ngờ đâu, số tiền đó được con mình “đốt” hết chỉ trong hai đêm diễn của ban nhạc kia. 

Thậm chí nhiều bạn trẻ khi ở nhà thì như cậu ấm, cô chiêu, nắng không tới đầu, mưa không tới mặt, nhưng đã đội mưa, dầm mình trong cơn mưa Hà Nội hàng tiếng đồng hồ chỉ để thỏa mãn được tận mắt nhìn thấy thần tượng. Các em sẵn sàng bỏ học, bỏ việc để ra sân bay đón, đưa tiễn thần tượng. Rồi thì những hành động khóc lóc, gào thét, múa may quay cuồng, thậm chí hôn lên ghế mà trước đó thần tượng đã ngồi... Đi xem một sự kiện văn hóa, nhưng hành động của khán giả thì không “văn hóa” chút nào - xả rác bừa bãi khắp nơi, từ quầy vé, cổng ra - vào đến khán đài.  

Hay mới đây, chúng ta được chứng kiến những ồn ào không đáng có đến từ các hoa hậu, á hậu. Thật đáng buồn và đáng trách khi đã trở thành những gương mặt đại diện mà lại trả lời phỏng vấn ngây ngô, ngờ nghệch đến tội nghiệp. Mặc dù chỉ là danh hiệu do các công ty giải trí tổ chức và trao tặng nhưng được sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì đương nhiên hoa hậu, á hậu trước hết phải có tầm trí tuệ, phải có những hiểu biết sơ đẳng, phải được dạy dỗ về công -  dung - ngôn - hạnh, nhưng đằng này lại hết sức hợm hĩnh, ngang nhiên đặt mình ở vị trí ngang hàng, thậm chí cao hơn cả bậc vĩ nhân. Ở đâu ra cái sự kệch cỡm như vậy của những cô gái trẻ đang là sinh viên, đã đến tuổi trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về bản thân? 

Những hiện tượng nêu trên tuy không phổ biến nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận nguyên nhân một phần do chính công tác quản lý, giáo dục có vấn đề; sự nuông chiều thái quá của gia đình đã hình thành suy nghĩ ngạo mạn, coi thường người khác của giới trẻ. Dưới sự bảo bọc, chăm bẵm sai lệch của gia đình, một bộ phận giới trẻ cho mình là tất cả, là số một, là duy nhất, dẫn đến ảo tưởng về bản thân nên mới có những hành động, phát ngôn mang tính ngông cuồng, ngạo mạn như thế!

Ngày nay, rất nhiều nam thanh, nữ tú không thể nhớ nổi tên của một danh nhân, một danh thắng của đất nước, một chiến công hào hùng của dân tộc. Họ thậm chí còn nhầm lẫn tai hại khi cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai nhân vật khác nhau, nhưng họ lại có thể kể tất tần tật những gì thuộc về thần tượng của mình. Những việc quanh mình, địa phương mình, đất nước mình thì không quan tâm, không cần biết, nhưng suốt ngày lên mạng nói vanh vách về đất nước phương Tây đẹp thế này, văn minh thế kia; rồi thì chê bai, dè bỉu nào là Việt Nam thô lỗ, lạc hậu, kém hiểu biết... Khi về nhà là cửa đóng then cài, không biết đến hàng xóm, láng giềng, không tham gia hoạt động nào, không đóng góp công sức mình cho sự phát triển của địa phương. Họ tự cho mình cái đặc quyền bắt Nhà nước, xã hội phải cung phụng, phải phục vụ, đáp ứng những nhu cầu mà theo họ là “văn minh, hiện đại theo tiêu chuẩn phương Tây”(?). 

Vì đâu nên cơ sự này?

Để đến cơ sự như thế, không phải trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân nào, mà đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân mỗi chúng ta. Sự buông lỏng quản lý, giáo dục, bất lực trong nuôi dạy con cái của không ít bậc cha mẹ. Họ, một là mải làm ăn, kiếm tiền nên giao phó hoàn toàn việc chăm sóc, nuôi dạy con cái cho bảo mẫu, gia sư, người giúp việc mà không biết con mình cần gì, thích gì, suy nghĩ như thế nào. Chỉ cần đều đặn hằng ngày, hằng tuần quẳng ít tiền để lo cho con từ A đến Z, miễn sao con mạnh khỏe, không bệnh tật. Còn việc con có ngoan không, có nghe lời thầy cô giáo, người lớn không thì nằm ngoài bộ nhớ của họ. Hoặc không ít người, vì phương pháp giáo dục, quản lý con cái không phù hợp, khắt khe đến mức tàn nhẫn hoặc nuông chiều thái quá đều dẫn đến việc hình thành tính cách, suy nghĩ lệch lạc, cực đoan trong con trẻ. Chúng hoặc trở thành những kẻ phá phách, ngông cuồng, coi trời bằng vung hoặc là ngơ ngác như gà công nghiệp, tự cao, tự đại như ếch ngồi đáy giếng. 

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là từ những bất cập của hoạt động giáo dục trong nhà trường. Không biết từ khi nào mà thầy cô giáo đã mất đi cái quyền được nhéo tai, bệu má những học trò quậy phá, nghịch ngợm. Tục ngữ có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, vì vậy, trong nhà trường, cần có kỷ luật, thầy cô giáo phải được coi trọng, được trao cho quyền phê bình, dạy dỗ những trò hư tới nơi tới chốn. Nhưng đáng buồn thay, ngày nay, hễ giáo viên có hành động gì không hay, không phải hoặc chỉ cần có lời nói nặng, chạm đến lòng tự ái của học trò là chúng lu loa lên rằng bị thầy cô đánh, rồi thì phụ huynh hùng hổ, các báo lá cải, biến chất đăng bài giật tít, tự cho mình cái quyền thay thế luật pháp để yêu cầu xử lý. Thực trạng đó vô hình trung khiến một bộ phận giáo viên co mình, bảo toàn công việc, còn thì “sống chết mặc bay”. 

Rồi thì từ sự yếu kém trong công tác quản lý của một số cơ quan chức năng trên môi trường internet. Một thời gian dài, chúng ta để cho các báo mạng, trang mạng xã hội tự tung tự tác, đưa tin giật gân, thiếu kiểm chứng, đưa những tin “nhạy cảm”, “phản văn hóa” lên mặt báo bằng những màn miêu tả chi tiết đến ly kỳ, rõ từng chân tơ, kẽ tóc; rồi thì tin nhảm nhí, câu khách, thiếu tính tuyên truyền, định hướng tích cực cho suy nghĩ, hành động, nhận thức của người đọc. Hằng hà sa số thông tin vô bổ, xấu, độc hằng ngày, hằng giờ đầu độc giới trẻ; mạng xã hội đầy rẫy những anh hùng bàn phím suốt ngày đăng tải các video, clip nói tục, chửi thề hoặc thách đố toàn trò nguy hiểm. Thế thì bảo sao giới trẻ không bị tiêm nhiễm, như hiện tượng Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền là những ví dụ điển hình. 

Muộn còn hơn không, hãy chỉnh đốn ngay từ bây giờ để cuộc sống, suy nghĩ, hành động của giới trẻ trở về với nhịp điệu vốn có: Hồn nhiên, trong sáng, nhiệt huyết, năng động, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của nước nhà.

  • Từ khóa
174719

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu