Thứ 7, 11/05/2024 15:44:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:40, 11/07/2023 GMT+7

Khát vọng hùng cường

Huỳnh Lực
Thứ 3, 11/07/2023 | 09:40:30 977 lượt xem
BPO - Đại hội lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ Đảng ta không chỉ tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ qua mà còn đánh giá chặng đường 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Với ý nghĩa đó, đại hội đã đề ra mục tiêu, tầm nhìn định hướng phát triển đất nước theo một lộ trình khoa học: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Đây là mục tiêu phù hợp với cách đánh giá chung của thế giới, thể hiện sự thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân, phù hợp hoàn toàn trong điều kiện thực tiễn đất nước hiện nay. Tuy nhiên, thay vì tham gia ý kiến đóng góp, xây dựng khát vọng, xác định trách nhiệm phấn đấu cho việc hoàn thành mục tiêu đó, không ít kẻ lại cố tình xuyên tạc, bóp méo, hòng gây hoang mang, ngộ nhận trong quần chúng nhân dân. Bổn cũ soạn lại, các thế lực thù địch, phản động cùng các phần tử cơ hội chính trị lại cho rằng tầm nhìn của Đảng với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao là “viển vông”, “không có cơ sở khoa học”; là “ngẫu hứng”, “chủ quan, duy ý chí”...

Trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu làm rõ thế nào là một nước công nghiệp, thế nào là một nước phát triển, đồng thời cũng xây dựng những tiêu chí cụ thể. Một số học giả, nhà khoa học nước ngoài đã nghiên cứu và có ý kiến đề xuất về vấn đề này, các quan điểm hầu hết đề cập đến 3 nhóm tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nhóm tiêu chí về kinh tế được đặt lên hàng đầu.

Ở trong nước, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đã có một số chương trình, đề tài khoa học, một số nhà nghiên cứu đề xuất quan điểm của mình về vấn đề này. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đề xuất tiêu chí GDP bình quân đầu người để xếp loại trình độ phát triển của các quốc gia. Một số nghiên cứu gần đây đưa ra các tiêu chí mới về những vấn đề đang được xã hội quan tâm, như: chỉ số bền vững về môi trường (ESI), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)... Nhưng trên thực tế, những chỉ số này chỉ làm căn cứ, không hề quyết định đến kết quả phân loại mức độ phát triển quốc gia.

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) từ lâu đã đặt ra những tiêu chí phân loại về trình độ phát triển, tuy chưa đồng nhất nhưng nhìn chung đều có sự tham khảo, phối hợp, thống nhất với nhau ở nhiều nội dung. 

Trước hết, ta có thể căn cứ vào cách phân loại của WB. Theo số liệu của WB công bố ngày 1-7-2020, những nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức dưới 1.035 USD là thu nhập thấp, từ 1.036 đến 4.035 USD là thu nhập trung bình thấp, từ 4.036 USD đến 12.535 USD là thu nhập trung bình cao, từ 12.536 USD trở lên là thu nhập cao. Căn cứ theo cách phân loại này, nhìn lại năm 2020 (thời điểm ngay trước Đại hội XIII của Đảng), với mức thu nhập bình quân 3.521 USD/người/năm, Việt Nam đang xếp ở nửa trên của nhóm thu nhập trung bình thấp. Đây chính là tiền đề để chúng ta đặt mục tiêu về các mức thu nhập trong văn kiện.

Tổ chức OECD cũng định kỳ 3 năm 1 lần rà soát và lựa chọn các nước đủ điều kiện nhận ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Tất cả các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình theo tiêu chí phân loại của WB đều thuộc đối tượng được xem xét nhận vốn ODA. Khi thu nhập bình quân đầu người của một nước tăng lên thì số lượng và các ưu đãi của vốn ODA sẽ giảm xuống. Khi một nước có thu nhập bình quân đầu người vượt mức thu nhập trung bình chung của thế giới thì nước đó bị loại khỏi danh sách nhận vốn ODA.

Từ cách xem xét này, nếu đánh giá tổng quan về mức ODA mà Việt Nam nhận được từ năm 1993 đến nay, ta dễ dàng nhận thấy từ năm 2011, mức vốn vay ODA mà Việt Nam được nhận đã có xu hướng giảm. Đặc biệt từ năm 2016, xu hướng này giảm rõ rệt. Lý do, ở thời điểm đó, Đảng ta tổ chức Đại hội XII, đã tiến hành tổng kết 30 năm công cuộc đổi mới, những thành tựu phát triển của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và không xếp chúng ta vào nhóm nước nghèo nàn, lạc hậu để tiếp tục nhận nhiều ưu đãi từ ODA. Và thật sự đây chính là bước chạy đà hoàn hảo để chúng ta khẳng định, thời cơ thuận lợi nhất để phấn đấu đạt được mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045, không hề là “viển vông”, “ảo tưởng”.

Như vậy, các tổ chức quốc tế uy tín đều phân loại các nước trên thế giới dựa theo thu nhập bình quân đầu người và trên cơ sở đó, phân loại các quốc gia thành những nhóm có trình độ phát triển khác nhau. Các nước kém phát triển là những nước có thu nhập thấp, những nước đang phát triển là những nước có thu nhập trung bình, nước phát triển là những nước có thu nhập cao.  

Việc bổ sung tiêu chí về thu nhập và phân định trình độ phát triển trong mục tiêu, tầm nhìn của Đảng sẽ giúp chúng ta có thể định lượng được hằng năm, là cơ sở đánh giá khách quan, khoa học và phù hợp với đánh giá chung của thế giới trong điều kiện thực tiễn hiện nay. Đó là cơ sở, là tiền đề để Đảng, Nhà nước, các nhà hoạch định chiến lược vạch ra kế hoạch, lộ trình cụ thể từng năm, từng giai đoạn để chèo lái đất nước sánh vai cùng bè bạn năm châu, để hoàn thành tầm nhìn và sứ mệnh lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới, chứ không hề là “phiến diện”, “thiếu cơ sở khoa học” như các thế lực thù địch rêu rao.

  • Từ khóa
172464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu