Thứ 6, 10/05/2024 06:02:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:16, 27/06/2023 GMT+7

Những kẻ “6 không”

Đỗ Thành
Thứ 3, 27/06/2023 | 09:16:18 3,508 lượt xem
BPO - Không Tổ quốc, không tổ chức, không danh dự, không công nhận, không trách nhiệm, không biết xấu hổ. Đó là “6 không” điển hình trong số rất nhiều cái không mà những kẻ được mệnh danh nhà báo nhưng đang lưu vong đâu đó bên kia bờ đại dương. Một trong những kẻ như vậy phải nhắc đến là Mạc Văn Trang, người mới đây có cái nhìn đầy “ghen ăn tức ở” với báo chí trong nước bằng bài viết: Báo chí cách mạng sướng ghê.

Bài viết nêu trên được đăng trên facebook Tiếng Dân vào ngày 21-6-2023, đúng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Nó như một tiếng kêu vô hồn vọng về từ bên kia đại dương mà không ai mảy may đếm xỉa tới, đặc biệt là giới báo chí trong nước với lý do như thế nào thì ai cũng biết. Bởi vậy cho nên, khi những lời lẽ bịa đặt, xảo trá được thốt ra từ Mạc Văn Trang đã đăng tải mấy ngày qua trên facebook cũng chỉ có số ít người đọc, bình luận và chia sẻ. Trong bài, Mạc Văn Trang cho rằng: Báo chí trong nước cũng chỉ cần làm theo tuyên giáo và công an là được rồi. Sướng nữa là các báo cứ chép nguyên lời các nhà lãnh đạo báo cáo thành tích, tuyên bố trên trời dưới biển, hứa hẹn đủ trò là không phải chịu trách nhiệm. Sướng hơn nữa là các tờ báo của cơ quan đảng đầu vào được bao cấp, đầu ra được bao tiêu… Cuối cùng hắn kết luận Việt Nam không có tự do báo chí giống y chang những gì mà RSF đã nói vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo đó, tổ chức các phóng viên không biên giới này đã đưa ra bảng xếp hạng về chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023. Không có gì bất ngờ, Việt Nam chúng ta lại tiếp tục bị xếp vào nhóm cuối. Được coi là thuộc nhóm các nước phải nâng cao mức độ cảnh báo về tình hình tự do báo chí. Từ đó, chúng đưa ra khuyến cáo cho các nước là phải đề nghị Việt Nam có lộ trình để cải thiện tình hình tự do báo chí.

Trong suốt nhiều năm qua, các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí không ngừng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc hệ thống pháp luật và công cuộc xây dựng đất nước ở Việt Nam. Chúng thường xuyên đưa các vấn đề về tự do, trong đó có tự do ngôn luận để làm cái cớ chỉ trích chính quyền Việt Nam. Nhiều người cho rằng Việt Nam bóp nghẹt thông tin. Người ta lấy dẫn chứng từ các báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ để củng cố thêm cho những nhận định thiếu khách quan. Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… là những mạng xã hội của các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, thu hút đông người sử dụng. Đây cũng chính là nơi những luồng dư luận lớn được hình thành. Lợi dụng công nghệ, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog; hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh, truyền hình ở nước ngoài có chương trình tiếng Việt để thể hiện xu hướng chống cộng cực đoan. Chúng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm hay các buổi làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Vẫn là những chiêu bài cũ rích núp bóng dân chủ, nhân quyền, dân oan, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền. 

Với nhiều thủ đoạn bỉ ổi, đổi trắng, thay đen, lập lờ đánh lận con đen, các tổ chức phản động lưu vong luôn rêu rao, xuyên tạc tình hình trong nước. Và với những kẻ “6 không” này, chúng vẫn tham lam không chịu buông bỏ lợi ích cá nhân. Chúng lập ra đủ loại chính phủ, rồi tổng thống đệ tam… sau là bấu víu vào tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam. Tại các quốc gia phương Tây, những nước không phải là đồng minh sẽ bị săm soi về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để dễ dàng chụp mũ vi phạm dân chủ, nhân quyền. Và đương nhiên, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Hơn 130.000 bài viết, video clip xuyên tạc trên mạng xã hội là con số thống kê trung bình 1 tháng các thế lực thù địch nhằm vào Việt Nam. Chúng sử dụng tính năng quảng cáo để phát tán các nội dung sai sự thật từ tài khoản facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan để phê phán chính quyền nhà nước. Trong khi đó, kênh YouTube với tính năng gợi ý cho người dùng xem những nội dung quan tâm hoặc đã xem trước đó. Từ đó, hàng loạt các video nói xấu, bôi nhọ tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước nhanh chóng được lan truyền, phát tán rộng rãi.

Các thế lực thù địch thì luôn luôn rêu rao rằng, báo chí Việt Nam đưa tin theo định hướng và luôn luôn đi sau mạng xã hội. Do đó, báo chí Việt Nam không nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Chính vì vậy, cần cải tổ để có thể cạnh tranh và phải học theo báo chí phương Tây về tự do dân chủ. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại và dường như “gió đã đổi chiều”. Cụ thể, Quận Cam thuộc miền Nam bang California, là vùng đất mà cộng đồng người Việt tập trung sinh sống đông nhất ở nước Mỹ. Tại đây, những tờ báo như: người Việt, Viễn Đông, Little Sài Gòn… luôn có xu hướng chống cộng, vẫn lấy thông tin từ một số phần tử xấu trong nước rồi thêm bớt, bình luận sai lệch theo hướng chống lại Nhà nước Việt Nam; kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vậy nhưng, trong nhiều năm trở lại đây, đã xuất hiện một số tờ báo như Việt Weekly, Tân báo Việt, kênh truyền hình Phố Bolsa TV… đang có xu hướng thông tin khách quan hơn về tình hình trong nước, thậm chí tuyên chiến với các đối tượng tổ chức chống phá Việt Nam.

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các bài viết, hình ảnh xuyên tạc, từ đó triệt để lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội để đẩy mạnh chiến dịch chiến tranh tâm lý, lan truyền thông tin xấu, độc, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ. Vậy nhưng dù có cố gắng đến đâu thì các thế lực thù địch cũng không thể đảo ngược. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện sứ mệnh của mình, lan tỏa một cách khách quan nhất tới bạn bè quốc tế về hình ảnh của đất nước đang ngày càng phát triển, khẳng định công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn.

Có thể thấy, trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ tôn trọng, bảo vệ mà còn tạo mọi điều kiện để không ngừng cải thiện tự do báo chí. Điều đó nhằm góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, là động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập đất nước. Từ Hiến pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định cụ thể hóa của Chính phủ, các bộ, ban, ngành về lĩnh vực báo chí; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp; nghiêm minh xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do báo chí để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Việt Nam làm tất cả điều nêu trên đều nhằm mục đích đảm bảo quyền tự do báo chí được thực thi một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật và mang giá trị là quyền cơ bản của mỗi con người.

  • Từ khóa
171388

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu