Thứ 6, 10/05/2024 04:40:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:47, 22/06/2023 GMT+7

Ai đứng sau “giật dây”?

Yến Trinh
Thứ 5, 22/06/2023 | 15:47:25 1,064 lượt xem
BPO - Liên quan đến sự việc xảy ra ngày 11-6-2023, nhóm đối tượng được trang bị vũ khí đã tấn công vào trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Sự việc đã khiến 4 cán bộ công an, 2 cán bộ xã hy sinh và 3 người dân tử vong. Ngay lập tức, các đài, báo ở hải ngoại có cái nhìn thù địch đối với Việt Nam liên tiếp rầm rộ đưa tin về sự việc này với những tiêu đề cực kỳ phản động.

Điển hình như Trần Đông A - một tên trong tổ chức khủng bố Việt Tân đã đăng trên trang Chân trời mới Media bài: “Ngọn lửa Tây Nguyên: Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt”. Tên này cho rằng, sau khi sự việc xảy ra, người nông cạn sẽ nghĩ nhóm tấn công kia là quân phản loạn, là Fulro khủng bố, thậm chí là tàn tích của nhà nước Đề Ga… Còn những người có hiểu biết thì sẽ không nghĩ vậy. Thực ra đó là những người dân oan, họ bị chính quyền cưỡng chế đất đai nhưng khiếu kiện không thành dẫn đến uất ức. Hoặc họ là những người dân phản đối các dự án gây ô nhiễm môi trường ở địa phương. Trần Đông A vội vã kết luận: Mặc dù họ đã khiếu kiện, khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết, bị đàn áp dẫn đến hành động “Con giun xéo lắm cũng quằn”.

Sự việc tại Đắk Lắk đang tiếp tục được làm sáng tỏ. Cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức xác minh nhanh, tích cực, ngày đêm điều tra, đấu tranh trên tinh thần quyết tâm cao độ và truy bắt tất cả đối tượng. Đồng thời, cơ quan công an cũng tiến hành làm rõ toàn bộ nguyên nhân, động cơ, mục đích, diễn biến, tính chất, mức độ hành vi của từng đối tượng làm căn cứ để khởi tố, chuyển truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Bước đầu đã ra lệnh tạm giữ hình sự nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Các vật chứng thu giữ được gồm 4 khẩu súng quân dụng, 4 súng tự chế, 2 quả lựu đạn, 192 viên đạn các loại, 30 con dao, 9 ná cao su, 21 điện thoại di động kèm thẻ nhớ và nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Những chứng cứ nêu trên phần nào chứng minh đây là một nhóm có tổ chức, được bàn bạc, phân công cụ thể với nhiều hoạt động, hành vi đặc biệt nguy hiểm. Đến nay, những đối tượng hung hăng, manh động, tàn ác nhất đã cúi đầu nhận toàn bộ hành vi tội ác của mình. Một phiên tòa với những bản án nghiêm minh nhất đang chờ đợi chúng trong một ngày gần đây.

Nội dung bài viết không phải kiểu điều tra, phá án, nhưng Trần Đông A đang cố tình lợi dụng để “ăn ốc nói mò”. Bài viết chỉ đề cập đến khía cạnh nhỏ của công tác khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo của người dân. Bởi đến hẹn lại lên, mỗi khi đất nước diễn ra những sự kiện lớn thì một số đối tượng trong nước được sự hậu thuẫn, trợ giúp từ các tổ chức phản động bên ngoài lại bấu víu vào để gia tăng các hoạt động chống phá. Kịch bản không có gì khác, đó là núp dưới vỏ bọc hội dân oan, kích động người dân tập trung khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan của Đảng, chính quyền, gây áp lực, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Vậy, những đối tượng kích động người dân là ai, hoạt động với thủ đoạn nào? Ai đứng đằng sau giật dây cho những con rối đó và người dân đã bị lợi dụng như thế nào? 

Ví dụ điển hình nhất, chắc hẳn chúng ta còn nhớ đối tượng cộm cán Cấn Thị Thêu, người đã 3 lần bị bắt giữ để điều tra, xét xử về hành vi kích động, tuyên truyền chống phá Nhà nước. Điều đặc biệt là Thêu bị bắt giữ cùng 2 con của mình là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Các đối tượng này được các tổ chức khủng bố như Việt Tân tung hô là biểu tượng đấu tranh cho cộng đồng dân oan Dương Nội nói riêng, phong trào đòi dân chủ và chống độc tài ở Việt Nam nói chung trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2008, Cấn Thị Thêu đã cầm đầu số công dân khiếu kiện ở phường Dương Nội, quận Hà Đông nhiều lần kéo đến trụ sở các cơ quan Trung ương và Hà Nội. Nội dung khiếu kiện của mẹ con Thêu thì ít, nhưng gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh ở địa phương thì nhiều. Thanh tra Chính phủ cũng như UBND Thành phố Hà Nội đã trả lời, kết luận về việc chấm dứt giải quyết kiến nghị, khiếu nại liên quan đến việc khiếu kiện của Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội. Tuy nhiên, những hành vi kích động, gây rối trật tự công cộng vẫn được số đối tượng này tiến hành. Như vậy đã rõ, cái cớ mà Thêu và đồng phạm bám vào là khiếu kiện đất đai. Từ đó, năm này qua năm khác chúng ra rả giọng điệu kêu oan nhằm gây tiếng vang để được sự hỗ trợ từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Các trang mạng thù địch thì tung hô, biến họ thành những con rối ngông cuồng thách thức pháp luật để rồi phải nhận những bản án thích đáng của luật pháp.

Đó là một trong nhiều thủ đoạn chúng lợi dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự để tuyên truyền chống Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động bên ngoài sẵn sàng tài trợ tiền, vật chất để những kẻ này lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối Đảng và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trong số trường hợp nêu trên cũng có người có nhu cầu khiếu nại, tố cáo là thật. Và từ đây lại xuất hiện chiêu thức khác các đối tượng phản động hướng đến, đó là lợi dụng số người dân này để tạo ra dân oan. Một mặt các thế lực thù địch sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận những điều tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước đã mang lại cho họ. Mặt khác, chúng tiếp cận, thực hiện hành vi kích động những người dân cảm thấy oan ức tiếp tục khiếu kiện đông người, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Người dân vì bức xúc và hiểu biết chưa thấu đáo, cộng thêm nhẹ dạ cả tin mà không biết rằng, hành động của mình đã vi phạm pháp luật. Mọi người dân đều phải nắm được rằng, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại gây rối an ninh, trật tự công cộng.

Quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu thấy chưa thỏa đáng thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, mỗi người dân cần nhận thức rõ luật pháp, đặc biệt phân biệt rõ ranh giới giữa khiếu nại, tố cáo và hành vi vi phạm pháp luật. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, mỗi người dân cần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động gây rối, xâm phạm đến quyền, lợi ích, tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức.

  • Từ khóa
170919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu