Thứ 6, 10/05/2024 09:59:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:47, 19/06/2023 GMT+7

Cảnh giác chiêu bài “dân tộc” để chống phá

Trần Anh
Thứ 2, 19/06/2023 | 09:47:55 1,753 lượt xem
BPO - Là một quốc gia thống nhất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị; kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

Vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11-6 đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. “Mượn gió bẻ măng”, các đối tượng xấu đã đưa ra nhiều thông tin lệch lạc, sai trái, xuyên tạc trắng trợn chính sách dân tộc của Việt Nam, như: “Việt Nam thực hiện chính sách dân tộc độc tài”, “từ khi mấy ông ngoài miền Bắc vào, các ông phá nát hết Tây Nguyên”, “đồng bào người Thượng đang phản kháng vì bị chính quyền chèn ép”, “các tổ chức xã hội dân sự phản đối bạo lực, bày tỏ cảm thông với người bản địa”, “người thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng nghèo túng, bế tắc”… Từ đó, chúng đòi chính quyền phải “chấp nhận quyền dân tộc tự quyết của đồng bào Tây Nguyên”.

Dân tộc và đoàn kết dân tộc được Đảng ta xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27-11-1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tình hình miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tiếp đó, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Trong mọi thời kỳ, công tác dân tộc đều được Đảng quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. 

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS ở các địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, trong chính sách dân tộc, Đảng ta ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng DTTS và miền núi. Trước hết, tập trung phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước. Các vấn đề dân tộc được giải quyết trên cơ sở hài hòa quan hệ, lợi ích giữa các dân tộc, đảm bảo ổn định, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, bên cạnh những ưu điểm, Đảng ta thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc và đề ra giải pháp khắc phục. Trong đó, có thể kể đến là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Để đẩy mạnh hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 20-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều giải pháp quan trọng đã được Chính phủ đề ra để thực hiện chính sách dân tộc, như: Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc; phát triển kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục - đào tạo, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người DTTS, gắn đào tạo với nhu cầu và khả năng bố trí việc làm tại địa phương; ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc…

Đối với khu vực Tây Nguyên, đây là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên giậu phía Tây của Tổ quốc” và là “nóc nhà của Đông Dương”. Với dân số khoảng 6 triệu người, Tây Nguyên là nơi tập trung người dân thuộc 54/54 dân tộc. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn luôn nổi tiếng với truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất anh dũng, kiên cường. Ngày 6-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với nghị quyết này, Đảng nhấn mạnh ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các DTTS; xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Với những nét phác họa nêu trên, có thể thấy Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các DTTS vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Không bao giờ có việc đồng bào bị “phân biệt đối xử”, “chèn ép” như những gì các đối tượng xấu cố tình tô vẽ. 

Là địa bàn có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để kích động, gây bất ổn, làm mất an ninh, trật tự tại Tây Nguyên. Đặc biệt, chiêu bài “dân tộc”, “tôn giáo” đã được chúng triệt để sử dụng. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hết sức cảnh giác, không để các đối tượng xấu kích động, lôi kéo tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật.

  • Từ khóa
170496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu