Thứ 6, 10/05/2024 06:23:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:09, 10/06/2023 GMT+7

Chiêu trò “tẩy trắng” bất thành

Anh Tú
Thứ 7, 10/06/2023 | 09:09:21 1,425 lượt xem
BPO - Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyến thăm góp phần tạo khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai quốc gia trên tất cả các kênh, tiếp tục làm sâu sắc lòng tin chiến lược, hướng tới tầm nhìn chung của hai nước trong thời gian tới. Lợi dụng chuyến thăm này, giới “dân chủ” cũng ráo riết hoạt động, lợi dụng “con rối dân chủ” Châu Văn Khảm - một người có quốc tịch Australia để đưa ra những luận điệu chống phá.

Trước, trong và sau chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese đến Việt Nam, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã đưa ra nhiều thông tin xấu, độc, xuyên tạc nhằm kích động, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia. Lợi dụng “quân cờ” Châu Văn Khảm, các “loa rè dân chủ” đã tung ra nhiều luận điệu kệch cỡm như: “Vì sao Việt Nam chưa thả công dân Úc - Châu Văn Khảm?”, “Úc có đủ mạnh để “gây sức ép” với Việt Nam?”, “Chính phủ Úc phải có trách nhiệm làm hết tất cả những gì có thể để đưa công dân của mình ra khỏi tù càng sớm càng tốt”… Đi liền với đó, những kẻ này cũng đòi chính quyền Australia phải “gây áp lực đối với Việt Nam về vấn đề nhân quyền”. Đây chỉ là những luận điệu cũ rích được giới “dân chủ” nhai đi, nhai lại trong nhiều năm qua nhằm mục đích công kích Việt Nam.

Châu Văn Khảm là cái tên không xa lại gì trong giới “dân chủ”. Ngày 11-11-2019, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Châu Văn Khảm 12 năm tù về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Quá trình xét xử sơ thẩm, đại diện Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP. Hồ Chí Minh đã theo dõi phiên tòa và được giải thích đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong vụ án này, ngoài Châu Văn Khảm còn có 2 bị cáo khác bị kết án cùng tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” là Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi, quê Quảng Nam) và Trần Văn Quyền (20 tuổi, quê Hà Tĩnh). Ngoài ra, có 3 bị cáo khác bị kết tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” gồm Bùi Văn Kiên (36 tuổi, quê Hải Dương), Nguyễn Thị Ánh (27 tuổi, quê Đồng Tháp) và Trần Thị Nhài (36 tuổi, quê Nghệ An). 

Tại sao giới “dân chủ” lại chỉ khóc lóc, kêu oan cho một mình Châu Văn Khảm trong khi bỏ mặc những người còn lại? Câu trả lời có lẽ là bởi Châu Văn Khảm có quốc tịch Australia và đồng thời y cũng là thành viên cộm cán của tổ chức phản động Việt Tân. Theo kết quả điều tra, Châu Văn Khảm tham gia Việt Tân từ năm 2010 và được phân công giữ chức vụ đại diện “cơ sở đảng bộ Sydney” kiêm “Bí thư Đảng bộ Úc châu” của Việt Tân. Bởi vậy, việc giới “dân chủ” đã sẵn sàng “đổi trắng thay đen” để bao biện cho Châu Văn Khảm cũng là điều dễ hiểu. Thế mới thấy, “dân chủ” cũng phải có “gốc gác”, “ô dù” và được “nâng đỡ” thì mới nhận được sự quan tâm, chú ý của các thế lực thù địch, các tổ chức “dân chủ”. Ngược lại, những người “cùng hội, cùng thuyền” nhưng “thấp cổ, bé họng”, không có tiếng tăm, mất giá trị lợi dụng thì chắc chắn sẽ bị giới “dân chủ” vứt bỏ một cách không hề thương tiếc.

Với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, các đối tượng xấu đã xây dựng hình tượng Châu Văn Khảm như một “nạn nhân” của chính quyền. Vậy nhưng, rõ ràng việc kết án Châu Văn Khảm và đồng phạm là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tổ chức Việt Tân, tháng 1-2019, Châu Văn Khảm đã làm giả giấy tờ với cái tên Chung Chính Phi để xâm nhập trái phép vào Việt Nam từ Campuchia. Nhiệm vụ của Châu Văn Khảm là câu móc, kết nạp thành viên trong nước cho tổ chức phản động Việt Tân. Với những tài liệu đã thu thập được, cơ quan tố tụng hoàn toàn đủ căn cứ để kết án Châu Văn Khảm. Mặt khác, nghiên cứu về tài liệu phạm tội của Châu Văn Khảm và đồng phạm có thể thấy quá trình hoạt động, những kẻ này đã khảo sát một số tuyến đường có lắp đặt vị trí camera để cung cấp cho tổ chức Việt Tân, khảo sát các tuyến xâm nhập đường bộ khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia… Như vậy, không chỉ dừng lại ở “bất bạo động”, Việt Tân đang thể hiện rõ dã tâm chống phá bạo động tại Việt Nam. Đây là điều phải ngăn chặn “từ trong trứng nước”.

Nói thẳng, quốc tịch Australia không phải là lý do để phủi sạch trách nhiệm hình sự cho Châu Văn Khảm. Khoản 1, Điều 5, Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định: “Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này là phù hợp với thông lệ của luật pháp quốc tế. Như vậy, quốc tịch của một người không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, bản thân Châu Văn Khảm phạm tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Do đó, không một cơ quan, tổ chức nào có thể “gây sức ép” để buộc Việt Nam phải trả tự do cho Châu Văn Khảm.

Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Australia. Tính đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 50 năm (1973-2023), trong đó có 5 năm xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược (2018-2023). Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 16 tỷ USD. Ngoài kinh tế, giữa hai nước cũng có mối hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, lao động, khoa học - công nghệ… Đồng thời, hai nước cũng thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo. Chính những điều này đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Bởi vậy, Châu Văn Khảm sẽ không bao giờ có thể trở thành “vật cản” giữa hai quốc gia như mong muốn của các “con buôn dân chủ”. Suy cho cùng, Châu Văn Khảm cũng chỉ là thành viên của một tổ chức phản động, chẳng có đóng góp gì cho quan hệ giữa hai quốc gia và cũng không mang lại lợi ích gì cho những công dân Australia chân chính.

  • Từ khóa
169834

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu