Thứ 6, 10/05/2024 15:08:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:22, 17/05/2023 GMT+7

Lu loa ăn vạ

Anh Tú
Thứ 4, 17/05/2023 | 10:22:26 607 lượt xem
BPO - Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật trong phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong quy định mới sắp tới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube hay trong nước. Ngay sau đó, các hội, nhóm “dân chủ” đã nhanh chóng lợi dụng sự quan tâm của dư luận để đưa ra những thông tin xuyên tạc, đặt điều, vu khống nhằm chống phá chính quyền.

Theo báo cáo Vietnam Digital Report 2023 được We Are Social công bố, tính đến tháng 1-2023, Việt Nam có khoảng 70 triệu người sử dụng mạng xã hội. 5 ứng dụng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất bao gồm: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%). Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người giải trí, chia sẻ, tiếp cận thông tin và kết nối với nhau. Đồng thời, đây cũng là một kênh truyền thông, kinh doanh rất hiệu quả. Bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển nhanh chóng của mạng xã hội cũng làm nảy sinh không ít vấn đề tiêu cực như tình trạng tin rác, tin sai sự thật, kinh doanh hàng giả, bạo lực mạng, tội phạm mạng… Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, siết chặt công tác quản lý mạng xã hội là điều rất cần thiết.

“Có tật giật mình”

Sau khi thông tin cơ quan chức năng sẽ yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được đưa ra, không ít cá nhân, hội, nhóm “dân chủ” đã đăng đàn xuyên tạc. Núp dưới danh nghĩa “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, chúng tung ra hàng loạt luận điệu sai trái, độc hại, phi lý như: “Việt Nam dùng chiến thuật của Trung Quốc khi yêu cầu định danh toàn bộ tài khoản mạng xã hội”, “Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi một nỗ lực đa hướng để kiểm soát bất cứ điều gì người dân Việt Nam thể hiện trên Internet, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiểm duyệt bất cứ điều gì chỉ trích Chính phủ”, “bằng cách buộc người dùng mạng xã hội tiết lộ danh tính cá nhân thực của họ, nhà chức trách Việt Nam xâm phạm quyền riêng tư của họ, dễ dàng đe dọa và đàn áp người dân hơn”… Với những thông tin này, các đối tượng xấu đang cố tình hướng lái tiêu cực, làm sai lệch bản chất sự việc nhằm tạo cớ tấn công chính quyền.

Không khó để nhận thấy, mỗi khi các cơ quan chức năng chuẩn bị ban hành quy định nhằm siết chặt công tác quản lý đối với mạng xã hội nói riêng và an ninh mạng nói chung, những thông tin độc hại như nêu trên lại được các đối tượng xấu tung ra. Đơn cử, trước khi Luật An ninh mạng năm 2018 được Quốc hội thông qua, giới “dân chủ” và thậm chí là cả một số người nổi tiếng nhưng có hiểu biết hạn hẹp đã lên mạng để rêu rao nhiều thông tin lệch lạc, chủ quan, cho rằng việc thông qua luật này là “cấm cản tự do ngôn luận”, “xâm phạm quyền riêng tư”, “gây tác hại xấu đến kinh tế”, “khiến các ông lớn công nghệ không dám hoạt động tại Việt Nam”… Vậy nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Luật An ninh mạng được thông qua đã góp phần làm trong sạch môi trường mạng cũng như bảo đảm hoạt động trên không gian mạng, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chỉ những kẻ “có tật” thì mới tự “giật mình”. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đang triệt để sử dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam. Lợi dụng những khoảng trống, kẽ hở của pháp luật, những kẻ này đã lập, quản lý, điều hành hàng ngàn tài khoản mạng xã hội để lan truyền những thông tin thất thiệt, độc hại, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, có thể kể đến như: Việt Tân, Chân trời mới media, Đài Á châu tự do, Tiếng dân news… Cùng với đó, một số kênh truyền thông nước ngoài có nội dung tiếng Việt cũng liên tục đăng tải các thông tin phiến diện, một chiều, thể hiện thái độ hằn học với Việt Nam, như BBC tiếng Việt, Đài Á châu tự do - RFA, đài RFI… Ngoài ra, không ít kẻ chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cũng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những nội dung sai trái, xuyên tạc. Chính vì vậy, nếu chính quyền yêu cầu định danh tài khoản, những tấm “mặt nạ dân chủ” sẽ bị bóc gỡ. Đây là điều mà các “con buôn dân chủ” không hề mong muốn. Vì vậy, chúng đang cố tình bẻ lái thông tin, núp danh “dân chủ”, “nhân quyền” để vu cáo chính quyền. 

Tự do nhưng phải tuân thủ pháp luật

 Việc định danh tài khoản mạng xã hội là điều cần thiết để mỗi người dùng mạng xã hội có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Thời gian qua, mạng xã hội đã bị lợi dụng để sử dụng vào nhiều hoạt động xấu. Đó là việc các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị thông qua mạng lan truyền các thông tin sai trái, lệch lạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; đó là việc các gian thương quảng cáo, kinh doanh hàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng; đó là việc các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện những hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn người, làm nhục người khác; đó là vấn nạn bạo lực mạng; đó là tình trạng xâm phạm đời tư của người khác… Do đó, khi định danh tài khoản mạng xã hội, các cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý, nhanh chóng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trên không gian mạng. Rõ ràng, yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội không phải là “xâm phạm quyền riêng tư” hay nhằm “đe dọa và đàn áp người dân” như những gì các đối tượng xấu cố tình thêu dệt ra.

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của người dân. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta được thực hiện các hành động tự do vô tổ chức, tự do chà đạp pháp luật, tự do xâm phạm đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin trên mạng xã hội phải tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu là một công dân chân chính, luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì chắc chắn chúng ta sẽ hoàn toàn đồng tình, ủng hộ với quyết sách này của Nhà nước. Chỉ có những kẻ đang mưu đồ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi sai trái mới run sợ trước việc yêu cầu định danh tài khoản và lu loa ăn vạ!

  • Từ khóa
168085

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu