Thứ 6, 10/05/2024 17:34:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:39, 15/05/2023 GMT+7

Kẻ tung người hứng

Đỗ Thành
Thứ 2, 15/05/2023 | 09:39:43 1,190 lượt xem
BPO - Phối hợp nhịp nhàng, tâng bốc lẫn nhau, người ta thường gọi là “kẻ tung người hứng”. Hành động tung - hứng xảy ra sẽ đều có lợi cho cả hai. Và vì thế, Lê Minh Nguyên (tác giả bài viết “Góp ý cùng anh Cù Huy Hà Vũ”) đã có hành động tung hứng một bài viết của kẻ “trở cờ” trước đó mấy ngày.

Cụ thể, trong bài viết nêu trên đăng trên báo Tiếng Dân ngày 7-5-2023, Lê Minh Nguyên đã góp ý cho một bài viết của Cù Huy Hà Vũ - một kẻ “trở cờ” đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí chính thống Việt Nam nhằm phản biện những bài viết xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng. Mở đầu, với tất cả sự quý mến của mình, Nguyên đã đóng góp cho Vũ theo kiểu “té nước theo mưa”. Tác giả cho rằng, dù có gọi là ngày 30-4 hay “thống nhất đất nước” thì cũng không làm khác được một biến cố lịch sử. Hoặc nếu còn chế độ cộng sản thì sẽ không thể có hòa giải dân tộc. Rồi thì chưa bao giờ cộng sản thừa nhận thảm kịch thuyền nhân. Và thật nực cười, Nguyên đã nịnh Mỹ một cách thô thiển theo kiểu: Mỹ là nạn nhân của đế quốc Anh và chưa bao giờ chiếm đất của ai làm thuộc địa. Mỹ đến Việt Nam không vì tư lợi mà giúp miền Nam chống lại sự xâm lược của miền Bắc… (?!).

Thực tế có phải Đảng Cộng sản Việt Nam cho quân xâm chiếm miền Nam hay không? Có phải cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là để xây dựng lại một trật tự mới dựa trên pháp luật? Sự thật thì hoàn toàn trái ngược với những gì Lê Minh Nguyên viết. Sự thật đó không chỉ được phơi bày ở Việt Nam mà còn được toàn thế giới biết đến. Trong cuốn sách giành được Giải thưởng Sách Mỹ năm 2014 và Giải thưởng Izzy (IF Stone) mang tên “Kill Anything That Moves - The Real American War in Vietnam” (Giết mọi thứ di chuyển - Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam) của nhà báo kiêm sử gia Nick Turse, tác giả đã mô tả lại những tội ác chiến tranh diễn ra khắp nơi trong suốt thời gian lính Mỹ ở Việt Nam. Từ dùng vũ khí hóa học để hủy diệt môi trường cho đến thảm sát, tra tấn và cưỡng hiếp... Những tội ác lính Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam là không thể kể xiết và còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến ngày nay. Chính vì những khổ đau người dân Việt Nam phải chịu tại thời điểm đó mà nhân dân khắp nơi trên thế giới, đặc biệt cả những người trong cuộc đều phản đối cuộc chiến này. Vậy nên, thắng lợi luôn thuộc về chính nghĩa. Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng. Đó là chiến thắng của lương tri, thời đại.

Còn đối với những người được gọi là “thuyền nhân” kia lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện của những người vì nhẹ dạ, cả tin, lợi ích của bản thân mà bất chấp tất cả. Lợi dụng thời điểm sau chiến tranh, đất nước đang khó khăn lại thêm cấm vận kinh tế, đời sống của người dân Việt Nam rất cơ cực. Các thế lực thù địch đã tích cực tuyên truyền về viễn cảnh cuộc sống ở nước ngoài để kích động người dân đi tị nạn. Nỗi sợ chiến tranh, vất vả, cuộc sống thời hậu chiến đã khiến hàng ngàn người Việt Nam tìm cách di cư qua đường biển. Từ đó, cái được gọi là “thuyền nhân” cũng bắt đầu xuất hiện. Đổi đời thì chưa thấy, lại thấy cảnh lừa đảo, cướp bóc, giam cầm tại các trại tị nạn để rồi bị ép tham gia vào các tổ chức khủng bố, phản động, tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc các tổ chức khủng bố dàn cảnh, bày binh bố trận công phu như vậy vừa kết nạp thêm được thành viên lại tiện để đổ vạ, vu cáo Việt Nam vì thiếu tự do, dân chủ nên dân chúng phải từ bỏ đất nước ra đi.

Có thể thấy, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động quốc tế đối với Việt Nam trong quá khứ, hiện tại, tương lai sẽ không có gì thay đổi. Chắc chắn rằng, chúng sẽ khai thác triệt để các thông tin xấu, tiêu cực từ Việt Nam rồi sử dụng báo chí, truyền thông để vẽ lên một chế độ hèn với giặc, ác với dân, bất chấp sự thật, sự tiến bộ, thay đổi từng ngày trên quê hương, đất nước. Xót xa hơn, mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, các tổ chức chống đối cực đoan lại biến cộng đồng gốc Việt ở nước ngoài thành một nhà mồ tang tóc, ủ rũ dưới cái gọi là “tháng tư đen”. Nhìn những tốp người nhỏ lẻ mà phần đông họ đã có tuổi tham gia biểu tình, sức hô hào không nổi thì lấy gì để vực dậy một chế độ đã thành dĩ vãng từ hàng mấy chục năm trước đây. Ấy vậy mà thế hệ đó vẫn kiên trì, cố gắng truyền lại hận thù cho con cháu mình. Họ cũng không quên để lại một cái tên thật oách “Hậu duệ Việt Nam Cộng hòa”. 

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định rõ nét. Giá trị lịch sử, ý nghĩa của ngày đất nước thống nhất vẫn còn đó và tồn tại đến muôn đời sau. Đi cùng với đó là những thành tựu sau hơn 36 năm đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đã dập tắt mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được. Giá trị tinh thần của những ngày tháng Tư lịch sử vẫn còn vang vọng mãi với non sông. Khát vọng được sống tự do, ấm no, hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, thống nhất đã trở thành sức mạnh nội lực để người Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, cùng quyết tâm xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo đúng di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Điều đó đã góp phần tạo dựng một diện mạo mới của Việt Nam, một vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế. 

Chiến tranh đã lùi xa, Bắc - Nam thống nhất, sum họp một nhà. Nhưng vẫn tồn tại trong lòng số ít người mang dòng máu Việt nỗi thù hận, sự ích kỷ và mưu lợi cá nhân. Họ chấp nhận rời bỏ quê hương, quay lưng với lợi ích của dân tộc vì vẫn luyến tiếc cuộc sống dựa dẫm, hưởng lợi từ ngoại bang. Minh chứng cho đường lối đúng đắn của một Đảng cách mạng chân chính là những thành tựu kinh tế - xã hội, đối ngoại mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong 48 năm qua. Với truyền thống nhân nghĩa “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, Việt Nam đã từng bước xóa bỏ những định kiến hận thù, lấp đầy hố sâu ngăn cách những người lính ở hai bên chiến tuyến, xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, cảm thông, tin cậy và cùng hướng tới tương lai. Không chỉ Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới việc hòa giải, hòa hợp dân tộc là nội dung vô cùng khó khăn, phức tạp. Và cũng thật nực cười khi đưa ra vấn đề muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc thì phải lãng quên, chối bỏ lịch sử hay phải thay đổi thể chế chính trị như những con rối phản động lưu vong đang rêu rao. Chúng dù có tung hứng như thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi sự thật lịch sử đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới công nhận.

  • Từ khóa
167828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu