Thứ 6, 10/05/2024 11:57:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:30, 26/04/2023 GMT+7

“Khóc mướn”

Công Luận
Thứ 4, 26/04/2023 | 09:30:43 2,688 lượt xem
BPO - Cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” là tổ chức tôn giáo không được công nhận hoạt động tại nước ta. Với chủ trương đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ; không chấp nhận chế độ và Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này đã hoạt động bất hợp pháp nhiều năm nay và không được sự thừa nhận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và “Cốc Thiền Quang” hay “Tịnh thất Thiền Quang” tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định đi theo tổ chức trái phép này là một hoạt động sai trái. Ấy vậy mà vẫn được VOA tiếng Việt nâng tầm lên thành chùa, rồi “khóc mướn” cho những con người ở đây khi biết chính quyền địa phương chuẩn bị cưỡng chế việc xây dựng trái phép.

Cụ thể, ngày 14-4-2023, lợi dụng việc các nhà ngoại giao Đức và Mỹ đến thăm cái được gọi là “Chùa Thiền Quang” trước đó mấy ngày, VOA tiếng Việt đã lớn tiếng kêu oan cho tổ chức tôn giáo trái phép này. Chúng gọi những người đang cư trú ở đây là “Tu sĩ phật giáo độc lập”, họ đang sợ hãi khi bị cưỡng chế khỏi nơi linh thiêng. VOA tiếng Việt kết luận rằng “Chùa Thiền Quang” là một trong những nơi “bị bức hại về tôn giáo”. Rồi thì chính quyền Việt Nam không thực hiện những cam kết đầy đủ các công ước đã ký kết về tôn giáo đã tham gia… Thực tế chúng ta đều hiểu đây không phải là chùa, mà là cơ sở thờ tự bất hợp pháp với nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Vậy quyết định cưỡng chế của chính quyền là hoàn toàn đúng pháp luật. Chưa kể hoạt động tôn giáo trái phép tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

“Thiền am bên bờ vũ trụ” - cơ sở thờ tự trái phép của bị cáo Lê Tùng Vân và các đồng phạm - Ảnh: Internet

Vấn đề dân tộc, tôn giáo luôn là mũi tiến công chủ lực, quan trọng mà các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Chúng thường lợi dụng, lôi kéo một số chức sắc có nhiều tham vọng chính trị, tín đồ sùng đạo nhưng thiếu hiểu biết pháp luật để phục vụ mưu đồ chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Trong nhiều năm qua, hoạt động của các đối tượng này luôn nhận được sự “hà hơi”, tiếp sức của các tổ chức nước ngoài mà điển hình là: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Những luận điệu phiến diện, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo của Việt Nam vẫn nằm trong các báo cáo thường niên mà 2 tổ chức này liên tiếp đưa ra từ năm 2017-2022. Một ví dụ điển hình là, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã kết án tù đối với bị cáo Lê Tùng Vân và các đồng phạm. Đây là những kẻ mạo danh người tu hành, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác, lập cơ sở thờ tự trái phép để trục lợi vào cuối năm 2022 vừa qua. Tuy nhiên, các đối tượng này lại được USCIRF đưa vào cái gọi là danh sách nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin toàn cầu. Động thái nực cười này cho thấy, sự bất ổn nghiêm trọng trong cách tiếp cận, đánh giá bản chất vấn đề của USCIRF. Nói cách khác, qua sự việc này, họ đang tự làm suy giảm uy tín của mình.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo nhưng tất cả đều hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ và vì sự trường tồn của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” hay sự dung hợp giữa Nho, Phật, Đạo đã trở thành một nét nổi bật, đặc sắc của văn minh Đại Việt ngay sau khi nước ta thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc. Nhà Lý, Trần đã có nhiều vị vua đi tìm đạo hướng Phật với quan niệm “đạo gắn với đời”. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng chủ đạo, mang đậm tính dân tộc đó là “cư trần lạc đạo, phật tức tâm, tâm tức phật, hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời”. Đó là nét riêng có của Phật giáo Việt Nam mà ít nơi nào có được. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà duy vật song rất coi trọng đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân loại. Người đã yêu cầu Chính phủ quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào theo đạo ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Sắc lệnh số 234/SL ra ngày 14-6-1955. Trong Sắc lệnh, Người chỉ rõ: “việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân”. Câu chuyện về 27 nhà sư chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định gửi lại áo cà sa nơi cửa thiền, lên đường đánh giặc năm 1947 là minh chứng hùng hồn cho tinh thần nhập thế. Đạo phải gắn với đời, đạo không thể ngồi yên khi đất nước bị xâm lược, nhân dân đau khổ, lầm than.

Chính sách nhất quán của Đảng ta kể từ khi thành lập đến nay là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Và nhận thức của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thực tiễn cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn. Những quan điểm nhất quán này đã được thể hiện trong Hiến pháp từ năm 1946 đến 2013. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân cũng được thể hiện rõ trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Luật cũng cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích quốc gia, tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ một số tôn giáo không nhận ra hoặc cố tình phớt lờ thực tế này. Nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội liên quan đến những diễn biến phức tạp ở một số cơ sở thờ tự trái phép. Điều này đã và đang gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương.

Hiện nay, chức sắc các tôn giáo đã và đang là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân. Họ là những công dân gương mẫu, sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Sống tốt đời, đẹp đạo, luôn gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc” là định hướng chung mà mỗi tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam đang thực hiện. Một minh chứng điển hình khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất, tinh thần. Chính điều đó đã góp phần cùng chính quyền, nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

VOA tiếng Việt và một số đài, báo có trụ sở ở nước ngoài lâu nay vẫn không thay đổi bản chất của mình. Vẫn chỉ là những giọng điệu thiếu khách quan, phiến diện về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước bên cạnh việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh mọi hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, nhân dân. Tôn giáo tại Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc trong suốt quá trình phát triển, giống như quan điểm “đạo gắn với đời” mà các tôn giáo đã thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Mọi cái nhìn thiển cận, thiếu khách quan về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều vô nghĩa.

  • Từ khóa
166393

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu