Thứ 3, 21/05/2024 00:22:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:30, 08/03/2022 GMT+7

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Đỗ Thành
Thứ 3, 08/03/2022 | 15:30:00 1,977 lượt xem
BPO - Ngày 2-3-2022, VOA tiếng Việt đăng tin phỏng vấn bà Nataliya Zhinkyna, Đại diện Lâm thời của Ukraine ở Hà Nội. Khi trả lời câu hỏi: “Bà có hài lòng về những gì Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về cuộc chiến cho đến nay? Bà mong muốn phía Việt Nam nói hay hành động như thế nào?” Đại sứ Nataliya Zhinkyna đã trả lời rằng: “Tôi hiểu được việc Việt Nam muốn giữ thế trung lập. Nhưng hiện không phải thời điểm thích hợp để giữ lập trường như vậy, bởi vì đây không chỉ là chuyện của Ukraine. Đây là vấn đề trật tự thế giới, đây là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước nhỏ, cần dựa vào luật pháp quốc tế. Họ cần thể hiện ra rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp quốc tế đều phải chịu hậu quả và phải đối mặt với công lý. Tôi muốn thúc giục Việt Nam hãy nêu đích danh kẻ xâm lược, không chỉ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà cả ở các diễn đàn quốc tế khác”.

Với vai trò là đại diện ngoại giao của một quốc gia đang xảy ra chiến sự tại nước ngoài thì kêu gọi ủng hộ quốc tế là điều dễ hiểu. Nhưng hình như cách làm đó của bà đại sứ đã dẫn đến việc đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Sai lầm đầu tiên là trả lời phỏng vấn một “tờ báo lá cải” chuyên xuyên tạc, chống phá Việt Nam. Dù bà có nói tốt đến bao nhiêu nhưng thông qua “những cái loa bẩn” lại trở thành thiếu thiện cảm. Sai lầm thứ 2 khi bà cho rằng, Việt Nam là một nước nhỏ phải tuân theo luật pháp quốc tế để ủng hộ Ukraine. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm lên án chiến tranh phi nghĩa. Chúng ta chọn lẽ phải là hòa bình chứ không chọn bên nào đúng, bên nào sai. Chiến tranh ở quê hương của đại sứ, tất cả mọi người đều không muốn chuyện đó xảy ra. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ sự tàn khốc mà chiến tranh gây ra, chúng ta mong mọi thứ kết thúc một cách hòa bình thông qua đàm phán. Tuy nhiên, đại sứ đừng dạy Việt Nam về cách ngoại giao. Bởi những gì Ukraine nhận được ngày hôm nay là chính sách ngoại giao sai lầm của họ trong quá khứ.

Năm 1990, Mỹ và Liên Xô đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi Đông Đức. Hai bên thống nhất Liên Xô rút hết quân để nước Đức thống nhất và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tiến thêm một milimet về phía Đông. NATO khi hứa như vậy có 16 thành viên, còn bây giờ đã là 30 thành viên và hầu hết là những nước thuộc Liên Xô cũ. Ukraine nằm giữa Nga và phương Tây, nếu xử lý đúng về mặt ngoại giao là phải trung lập, tự lực, không dựa vào bên nào. Đằng này, họ lại chọn Mỹ và NATO, công khai coi Nga là kẻ thù, yêu cầu NATO lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ để đối đầu với Nga. Bạn có thể ngủ yên trên giường được không khi ông hàng xóm cứ lăm le hướng mũi tên về phía nhà mình? Một đất nước Nga hùng mạnh với diện tích rộng, dân số đông, tiềm lực kinh tế, quân sự top đầu thế giới không thể để mất vị thế của mình. Một người theo chủ nghĩa dân tộc như Tổng thống Nga Putin không thể chấp nhận được chuyện đó xảy ra. Chiến tranh chính là giọt nước tràn ly, sự sai lầm xuất phát từ việc giới lãnh đạo Ukraine quá tin, dựa vào Mỹ và NATO. Bây giờ, cứu vãn cuối cùng là Ukraine nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán với Nga, từ bỏ hoàn toàn ý định chống lại chính những người chung dòng máu Liên Xô cũ với mình.

Chúng ta mong rằng Nga sẽ kết thúc sớm chiến tranh để tránh quá nhiều thương vong cho cả 2 nước. Thông qua cuộc chiến này, người Nga cũng muốn nhắc nhở châu Âu rằng: “để có những mùa hè rực nắng hay mùa đông tuyết trắng đường, những công trình đẹp đẽ ngày hôm nay thì bên dưới đó chính là máu của Hồng quân Liên Xô, những chiến sĩ cảm tử đã giúp thế giới tiêu diệt phát xít”. Nga và Ukraine từng bị Mông Cổ thôn tính vào thế kỷ XIII. Từ đó cho đến đầu thế kỷ XX, Ukraine chỉ là mảnh đất giành đi giật lại giữa các đế quốc. Đến tận năm 1917 mới xuất hiện tên gọi Ukraine. Đến sau năm 1991 mới có nước Ukraine như ngày nay. Nhớ lại gần 8 năm về trước, Ukraine đã có hành động vuốt đuôi Mỹ, NATO bằng cách đập phá, xóa bỏ những biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô và Hồng quân. Đó là hành động “bắn vào quá khứ bằng súng lục”. Trước đó, họ đã nợ người Nga một lời cảm ơn khi đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, giúp họ có cuộc sống hòa bình. Với hành động nêu trên, họ lại nợ người Nga một lời xin lỗi. Và dĩ nhiên, tương lai đã trả lời Ukraine bằng tên lửa, bom đạn, xích xe tăng.

Hãy nhìn lại quá khứ dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Việt Nam từng rơi vào tình trạng khó khăn hơn Ukraine rất nhiều. Chúng ta từng bị Pháp, Mỹ và cả Trung Quốc xâm lược, gần như bị cả thế giới tẩy chay, mất hết đồng minh và chỗ dựa. Đã có lúc nỗi đau chồng chất khi hậu quả của 2 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ để lại những mất mát, thiệt hại vô cùng lớn thì chúng ta phải gánh thêm 2 cuộc chiến tranh biên giới. Khi Pháp, Mỹ, Khmer đỏ, Trung Quốc dồn quân xâm chiếm, giết hại người Việt Nam thì luật pháp quốc tế ở đâu? Từ đó để hiểu rằng độc lập chỉ đến với các quốc gia dám đổ máu ra để bảo vệ. Trong lịch sử lúc ấy nếu nói nền ngoại giao Việt Nam bị cô lập đứng thứ nhì trên thế giới thì không nước nào dám nhận thứ nhất. Từ đó, chúng ta đã chứng kiến sự vươn mình bứt phá mãnh liệt của ngành ngoại giao Việt Nam. Bởi vậy hiện tại, Việt Nam mới có quan hệ đối ngoại tốt đẹp, làm bạn với các nước trên thế giới, kể cả cựu thù, các nước từng bỏ phiếu cấm vận Việt Nam.

Việt Nam nhất quán quan điểm ngoại giao là trung lập, chúng ta không nói bên nào sai, bên nào đúng. Cái sai ở đây là chiến tranh, đau khổ, mất mát của nhân dân. Nếu đại sứ Ukraine nói “Việt Nam là nước nhỏ, phải phụ thuộc vào luật pháp quốc tế” thì chắc bà đang so sánh về diện tích. Còn nếu xét về bề dày truyền thống lịch sử, dân số, kinh tế hay tất cả mặt khác thì Ukraine hiện tại không thể so sánh với Việt Nam được. Bà đại sứ khuyên Việt Nam không nên trung lập, vậy giờ chúng tôi theo ai? Không lẽ cũng giống như các bạn, theo NATO để rồi ăn bom, ăn đạn thay cơm. Không! Việt Nam chỉ theo lẽ phải.

  • Từ khóa
138163

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu