Thứ 3, 21/05/2024 04:38:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:03, 03/12/2021 GMT+7

Vẫn là chiêu trò cũ

Nhật Minh
Thứ 6, 03/12/2021 | 05:03:00 434 lượt xem
BPO - Báo Thanh Hóa điện tử cho biết, ngày 25-11-2021, Sở Y tế tỉnh này đã tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tham dự cuộc họp có các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ thuộc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai; các chuyên gia của Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm vắc xin… Theo báo cáo của Sở Y tế tại cuộc họp này, số người phản ứng nặng sau tiêm vắc xin là 10 trường hợp. Đến nay, có 4 trường hợp tử vong, 6 bệnh nhân có phản ứng nặng được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Theo Hội đồng tư vấn chuyên môn, nguyên nhân 4 công nhân Công ty TNHH giày Kim Việt tử vong nêu trên là sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Vero Cell phòng Covid-19.

Đây là thông tin thực sự đáng buồn, vì không chỉ người thân, gia đình của những công nhân tử vong, mà cả các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất vắc xin không một ai mong muốn điều này xảy ra. Bởi đơn giản và ai cũng hiểu rõ rằng, tiêm vắc xin là để phòng, chống dịch bệnh, chứ không phải cướp đi mạng sống của người tiêm. Thế nhưng sự cố hy hữu này lại là cơ hội béo bở cho những cái loa rè như: BBC, RFA, VOA, RFI và các tổ chức thù địch, phản động mà kẻ đứng đầu là Việt Tân lợi dụng để tuyên truyền chống phá công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. 

Bằng chứng là ngay trong ngày 25-11, trên trang facebook của RFA, RFI, BBC và Việt Tân đã đồng loạt đăng bài viết có tựa đề “Nhiều công nhân tử vong sau khi tiêm vắc xin Trung Quốc”. Nội dung bài viết có đoạn: Tính đến ngày 25-11-2021, đã có 3 công nhân 30 tuổi thuộc Công ty TNHH giày Kim Việt ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị tử vong sau khi tiêm vaccine Vero Cell để phòng Covid-19. Hiện nay còn 9 người đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và 60 người theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống do phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Bạn nghĩ sao về tính uy tín của vắc xin Trung Quốc? Việt Nam có nên sử dụng loại vắc xin để tiêm cho người dân?

Với lời “mớm” này, một số kẻ vốn đã mang trong mình dòng máu bất mãn, thù địch, phản động đối với Việt Nam liền nhảy vào “cào bàn phím”, rằng: “Đã biết các loại vaccine của Trung Quốc không đảm bảo chất lượng sao vẫn nhập về tiêm cho người dân?”. Có kẻ phản động còn trắng trợn với những lời ngông cuồng rằng, “Việt Nam nhập về loại vaccine rẻ tiền để tiêm cho dân, còn Quỹ vaccine là để gửi ngân hàng lấy tiền lãi?”. Chưa hết, ngày 27-11-2021, trên trang facebook của Việt Tân đã đăng bài viết với tựa đề: “Cần phải tạm ngừng tiêm vaccine Trung Quốc”. Nội dung bài viết này vẫn với giọng điệu như của RFA nói trên: “Liên quan vụ 4 công nhân tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện sau khi tiêm vaccine Vero Cell ở Thanh Hóa, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Australia, trong khi đề nghị cần có cuộc điều tra độc lập về lô vaccine này. Dữ liệu nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng vaccine Sinopharm và CoronaVac có hiệu quả thấp hơn vaccine của phương Tây sản xuất, như Pfizer, AstraZeneca và Moderna…”.

Tuy nhiên, đây chỉ là luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và bất mãn, nhằm kích động người Việt tẩy chay hàng hóa, trong đó có cả vắc xin phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, hiện các quốc gia nêu trên đang triển khai tiêm 17 loại vắc xin Covid-19, trong số này có 7 loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, theo thứ tự gồm: Pfizer, AstraZeneca, vắc xin của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovac. Và thực tế đã chứng minh, nhiều dịch bệnh đã được phòng ngừa hiệu quả nhờ có vắc xin. Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Nhờ đó, mỗi năm vắc xin giúp ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong và giúp hàng trăm ngàn người thoát khỏi nguy cơ tàn tật vĩnh viễn vì di chứng của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện mới đây nên thế giới vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu. Tùy theo cơ địa mỗi người, bất cứ thuốc hoặc yếu tố lạ nào cũng có nguy cơ gây sốc phản vệ. WHO cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, việc tiêm vắc xin Covid-19 cũng có thể xảy ra sốc phản vệ và gây tử vong. 

Cụ thể là chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, ở Hàn Quốc đã có 11 người chết, 33 trường hợp sốc phản vệ nặng và hơn 3.000 trường hợp có dị ứng nhẹ như đau đầu, buồn nôn sau khi tiêm ngừa Covid-19 bằng vắc xin của AstraZeneca. Trước đó, ngày 15-1, các nhà chức trách Na Uy cho biết: Ở quốc gia này có khoảng 30 trường hợp tử vong sau khi được tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Còn ở Việt Nam cũng đã có một vài trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca. Ngày 7-5-2021, trên địa bàn tỉnh An Giang đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Người tử vong là nữ nhân viên y tế (35 tuổi) đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn cảm với non steroid (NSAIDs).

Trong khi đó, cả thế giới đều biết rằng, việc ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin. WHO cũng đã từng khuyến cáo điều này và công khai rằng không có vắc xin nào có hiệu quả phòng ngừa 100% đối với Covid-19. Tính đến cuối tháng 6-2021, Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 nội địa, trong đó 2 vắc xin Sinopharm, Sinovac phổ biến nhất. Đến ngày 30-7-2021, Trung Quốc đã tiêm được 1,64 tỷ liều vắc xin Covid-19 trên tổng hơn 4 tỷ liều được tiêm trên toàn thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin cho 4 khu vực trên thế giới, bao gồm 103 quốc gia với tổng 903 triệu liều vắc xin Sinopharm, Sinovac đã được bán ra. Châu Á - Thái Bình Dương nhận được số lượng vắc xin Trung Quốc nhiều nhất, với 38 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ từ Trung Quốc. Mỹ Latinh nhận được số lượng vắc xin Trung Quốc nhiều thứ hai (19 quốc gia). Sinovac đã bán được 556 triệu liều cho 42 quốc gia, trong đó Indonesia, Brazil và Chile là những khách hàng lớn nhất, đã mua lần lượt 125 triệu, 100 triệu và 60 triệu liều. 

Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Công tác phòng, chống dịch đang được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Chính phủ đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “5K + vắc xin + công nghệ” thành thực tế. Trong đó, tiêm vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp căn cơ, là biện pháp bền vững trong phòng, chống dịch. Đây được coi là “chìa khóa” để chúng ta vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là một nội dung các thế lực thù địch đang tập trung chĩa mũi nhọn để chống phá, với các luận điệu xuyên tạc thô thiển và bỉ ổi nhất. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch. Giải pháp hữu hiệu nhất là mỗi người cần trang bị cho mình “bộ lọc” thông minh để loại bỏ và phản bác lại những thông tin độc hại, đồng thời tỉnh táo, cảnh giác với những thông tin chưa được kiểm chứng.

  • Từ khóa
133410

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu