Thứ 3, 21/05/2024 04:15:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 11:06, 18/09/2021 GMT+7

Quỹ vắc xin có bị sử dụng sai mục đích?

Lê Đô
Thứ 7, 18/09/2021 | 11:06:29 896 lượt xem
BPO - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vắc xin được xem là vũ khí hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Do vậy, việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước giúp phòng và điều trị bệnh ở người, phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu là một nhiệm vụ cấp thiết.

Thế mà vừa qua, BBC đã đăng bài viết với tiêu đề “Việt Nam đổi mục tiêu sử dụng tiền từ Quỹ vaccine?”. BBC ngỡ như mình tìm được “sai phạm” của Chính phủ trong sử dụng quỹ vắc xin khi chưa thấy sao kê tiền mua vắc xin phòng Covid-19 của nước ngoài mà lại đổ tiền quỹ đó vào nghiên cứu vắc xin ở trong nước. Ý của BBC muốn hướng người đọc đến suy nghĩ Chính phủ chưa lo đủ vắc xin mà muốn biển thủ quỹ qua đầu tư tiền vào các công ty nghiên cứu vắc xin trong nước. Nhưng để dẫn dắt được lối suy nghĩ này, BBC phải viết một bài rất dài, rất lòng vòng, chủ yếu nêu ý kiến của những người mà BBC tự nghĩ ra.

Có thể thấy, trong Quyết định số 777/QĐ-TTg ngày 26-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã quy định rất rõ chức năng của quỹ là “quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19”. Như vậy, việc chi tiền đầu tư cho nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước là không sai và điều này được công khai cho toàn dân Việt Nam biết.

Sáng 18-9, Trung tâm y tế thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, đợt 9 cho những người là lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Trong đợt này, thị xã Bình Long được phân bổ 1.242 liều vắc xin Astra Zeneca. Ảnh: Văn Tâm

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã tiếp nhận khoảng 38 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca. Bên cạnh số vắc xin do Liên hợp quốc, nước ngoài viện trợ cho chúng ta thì hiện nay, phần lớn vẫn là vắc xin chúng ta tự bỏ tiền ra mua. Còn việc kiểm soát, sao kê các khoản chi thì trong nguyên tắc hoạt động của quỹ cũng đã quy định rõ: “chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và kiểm toán của nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng”. 

Còn vì sao bỏ tiền vào nghiên cứu vắc xin trong nước trong khi chúng ta có thể mua đủ, có thể được chuyển giao công nghệ vắc xin? Phải khẳng định rằng, số tiền bỏ ra để đầu tư nghiên cứu vắc xin trong nước trên tổng số quỹ là rất nhỏ và cũng rất nhỏ so với số tiền bỏ ra để mua vắc xin trong khi hiệu quả đem lại gấp nhiều chục lần. Với dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 21.000 tỷ. Trong khi chỉ phải chi gần 9 tỷ đồng từ nguồn quỹ để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc xin COVIVAC do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất là một ví dụ.

BBC viện tên của một người nào đó cho rằng “Kêu gọi đóng góp để mua vắc xin cơ mà, sao không mua về chích cho đủ mũi hai”. Họ cứ nghĩ có tiền là sẽ mua được vắc xin và người ta sẽ giao ngay khi chúng ta giao tiền. Xin thưa rằng, vắc xin Covid-19 hiện nay không phải như mớ rau ngoài chợ, chúng ta đã ký kết mua vắc xin của nhiều hãng trên thế giới từ khi nó đang còn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nhưng đến nay việc bàn giao cho chúng ta còn phải theo tiến độ trong hợp đồng. Ví như loại vắc xin Moderna, chúng ta đã đàm phán nhưng hãng cho biết không có vắc xin cung cấp trong năm 2021. Còn vắc xin nhiều nhất về Việt Nam hiện nay là Astrazeneca chỉ đạt hơn 10,1 triệu liều trong tổng số 30 triệu liều mà chúng ta đặt mua.

Mặt khác, do nhu cầu khẩn cấp sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 để bảo vệ người dân, nên thời gian bảo vệ con người của loại vắc xin này chưa được nghiên cứu đầy đủ. Hiện nay, các chuyên gia vẫn tiến hành nghiên cứu để xem những người được tiêm vắc xin chống đại dịch Covid-19 trong bao lâu sẽ mất khả năng bảo vệ con người. Thử nghiệm của hãng Frizer Pfizer cho thấy, nếu chích đủ 2 liều vắc xin phòng SARS-CoV-2 thì hiệu quả bảo vệ có tác dụng ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn. Đối với vắc xin Moderna, dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả bảo vệ cơ thể có thể đạt trong ít nhất 6 tháng, hiệu quả trong thời gian lâu hơn nữa vẫn chưa được xác định. Đối với vắc xin của AstraZeneca thì theo GS, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, có tác dụng bảo vệ con người sau tiêm đủ 2 mũi đạt trên 80%, thời gian bảo vệ ít nhất 7 tháng. Một số chuyên gia cũng cho rằng, dù vắc xin ngừa Covid-19 có thể có tác dụng ít nhất trong một năm nhưng chúng sẽ không thể bảo vệ suốt đời như vắc xin phòng bệnh sởi. Đặc biệt, sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 như hiện nay, cùng các loại đột biến khác có nguy cơ xuất hiện trong tương lai gần thì sẽ phải tiêm phòng nhắc lại hằng năm như vắc xin cúm mùa, cùng với đó các loại vắc xin ngừa đại dịch cũng cần được cập nhật để chống lại những biến thể mới của virus. Từ đợt tiêm đầu tiên ngày 8-3-2021 đến nay (hơn 6 tháng), Việt Nam mới nhận và tiêm được hơn 32 triệu liều (trong đó tiêm mũi 1 hơn 26 triệu người, tiêm mũi 2 gần 6 triệu người). Như vậy, nếu chúng ta cứ chờ nguồn vắc xin mua từ bên ngoài thì có thể khi chưa tiêm đủ 2 mũi cho toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì đã phải tiếp tục mua để tiêm đợt tiếp theo, sau khi thời gian bảo vệ của vắc xin đã hết.

Do đó, khi nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin sẽ giúp chúng ta tự chủ về công nghệ sản xuất, tự chủ về nguồn cung vắc xin. Bởi khi tự chủ về công nghệ thì chúng ta có thể chủ động điều chỉnh công nghệ vắc xin theo các biến chủng mới của virus chứ không phải đợi ai đó quý mến mà chuyển giao. 

Nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước là một chiến lược phù hợp và lâu dài để đảm bảo vắc xin trong tương lai, đồng thời đảm bảo an ninh y tế. Cho nên, những gì BBC băn khoăn thực ra chẳng có gì đáng băn khoăn. Tự mình đưa ra ý kiến rồi kêu có tranh cãi, tự mình nghĩ ra luận điệu xuyên tạc rồi nói có ý kiến dư luận trái chiều cho rằng… Đây là chiêu trò không mới của BBC, được diễn đi diễn lại nhiều lần nhằm dẫn dắt dư luận trong nước chúng ta theo hướng tiêu cực. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nước ta của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

  • Từ khóa
130049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu