Chủ nhật, 19/05/2024 07:29:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:32, 29/06/2021 GMT+7

Sự thật không thể phủ nhận

Thanh Quang
Thứ 3, 29/06/2021 | 05:32:00 371 lượt xem
BPO - “Việt Nam đang đi lên hay thụt lùi” có lẽ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức quốc tế, các quốc gia bạn bè và của cả các thế lực phản động, thù địch với Việt Nam.

“Việt Nam đang đi lên hay thụt lùi” thoạt nghe có vẻ là một câu hỏi ngây ngô, thừa thãi. Song trong thực tế, nó lại là vấn đề đã và đang được các thế lực phản động, thù địch lợi dụng để công kích, nói xấu chế độ, hạ thấp uy tín Đảng và Nhà nước ta.

Bọn chúng cho rằng, “Theo báo cáo của nhóm các nhà chuyên gia, nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tụt hậu khủng khiếp. Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang tụt hậu 10 năm so với Thái Lan, 40 năm so với Malaysia và 60 năm so với Nhật Bản. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines”. Theo bọn chúng thì Việt Nam “năm 2020 có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể”, song chúng ta lại công bố “quy mô nền kinh tế Việt Nam nằm trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới” là báo cáo láo, thùng rỗng kêu to, là mị dân, là lường gạt, là không thể nào chấp nhận được. Từ đó, chúng kết luận một cách chắc nịch như đinh đóng cột rằng “kinh tế Việt Nam ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong vùng”.

Vậy thực hư là thế nào? Xin thưa ngay rằng, đó đều là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, chắp vá, một chiều, hoàn toàn không đáng tin tưởng. Bởi vì, chưa cần phải dựa vào các báo cáo thống kê của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức quốc tế có uy tín thì cứ nhìn vào thực tế cuộc sống thường ngày của mỗi người dân Việt Nam, chúng ta cũng thấy ngay được những đổi thay theo chiều hướng tích cực của nền kinh tế quốc gia. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song với đường lối, chính sách thực hiện “mục tiêu kép” rất ngoạn mục, Việt Nam đã kiềm chế thành công, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, đồng thời vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dương 2,91% - một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đạt được trong bối cảnh hiện nay. Vậy thì đáng tự hào quá đi chứ. Chúng ta công bố tốc độ tăng trưởng như vậy không phải là cách làm “con hát mẹ khen hay” mà có sự tham gia phân tích, đánh giá, khảo sát, kiểm soát, kiểm chứng rất gắt gao, khắt khe của các tổ chức kinh tế uy tín hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Năm 2020, mặc dù kết quả không như kỳ vọng, không đạt chỉ tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, song những chỉ số của nền kinh tế là rất khả quan, đáng mừng. Nợ công ở mức 55,3% GDP của nền kinh tế - một ngưỡng rất an toàn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD/năm, thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD, thặng dư thương mại 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt mức 100 tỷ USD - một con số trong mơ của nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, quy mô nền kinh tế nước ta đã đạt 343 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới, thứ 4 ASEAN sau Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Các số liệu thống kê đó không phải do chúng ta tự vẽ ra mà là do Ngân hàng Thế giới công bố. Vì vậy, tính khách quan rất cao chứ không phải như bọn phản động, thù địch đang rất tức tối la lối, kêu gào. Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất hàng tiêu dùng trên toàn cầu, là nước xuất khẩu lớn nhất ASEAN, đối tác kinh tế lớn thứ 11 của Mỹ, thứ 6 của Đức và thứ 7 của Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với các nhà máy của Foxcon, Apple và Samsung. Từ một nước đang phát triển, nợ nần chồng chất thì năm 2020, xe hơi đã chật cứng những con đường ở khắp cả nước. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… có trên 30% gia đình đã sở hữu xe hơi và biệt thự. Hộ chiếu Việt Nam năm 2020 cũng trở thành một trong những tấm hộ chiếu có giá trị nhất thế giới.

Uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam tăng rất cao, chúng ta được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong tháng 4-2020 với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) - điều chưa từng có trong lịch sử 75 năm của Liên hiệp quốc. Hai chữ “Việt Nam” đã trở thành tấm “kim bài miễn tử” không chỉ cho phái đoàn Việt Nam mà còn cho cả những chuyến xe chở hàng cứu trợ của Liên hiệp quốc tại các vùng chiến sự nóng bỏng ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Hãy xem thế giới nói gì về Việt Nam! Tờ báo cánh tả People’s World của Mỹ, ngày 25-1-2021 cho rằng: “Sở dĩ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút sự chú ý của quốc tế vì Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế, trở thành quốc gia hùng mạnh cả về kinh tế và ngoại giao”. Tờ nhật báo tiếng Anh The Straits của Singapore, ngày 22-2-2021 khẳng định: “Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã gia tăng trong những năm gần đây. Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc bình luận: “Việt Nam sau một thời gian lao khổ, hôm nay đứng dậy sáng lòa cùng nhân loại. Việt Nam ngẩng cao đầu, tự hào hòa đồng và đi lên cùng nhân loại”.

Như vậy, có thể thấy rằng, năm 2020, mặc dù sự phát triển không như mong đợi do tác động của đại dịch Covid-19 song những kết quả mà chúng ta đạt được là rất to lớn. Kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng lên. Vậy, “Việt Nam đang đi lên hay thụt lùi”, câu trả lời đã rõ, không cần phải bàn cãi gì thêm.                                

  • Từ khóa
125567

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu