Thứ 6, 10/05/2024 21:33:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:21, 07/03/2021 GMT+7

Giá trị tối thượng

Nhật Minh
Chủ nhật, 07/03/2021 | 09:21:00 440 lượt xem
BPO - Ngày 22-2-2021, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Mở đầu là phiên họp cấp cao được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của hơn 115 đoàn cấp cao. Đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Tại phiên họp này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo về việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, sẽ tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Và đây là cách Việt Nam đóng góp tích cực cho việc bảo vệ quyền con người trên thế giới bằng chính những thành tựu bảo vệ quyền con người của mình.

Hội đồng Nhân quyền LHQ và vị thế của Việt Nam

Hội đồng Nhân quyền LHQ là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng LHQ có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Tổ chức này ra đời ngày 15-3-2006, theo Nghị quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban LHQ về nhân quyền đã chấm dứt hoạt động năm 2006. Hội đồng gồm 47 quốc gia là thành viên của LHQ. Các thành viên được Đại hội đồng LHQ bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý tại LHQ. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm.

Là một cơ quan quan trọng thứ 2 sau Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hợp tác đầy đủ với hội đồng và đệ trình thủ tục đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ của mình. Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Sở dĩ Việt Nam được nhóm các nước châu Á bầu chọn và giới thiệu ứng cử để bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là vì, các quốc gia trong khu vực tin tưởng vào sự khách quan của Việt Nam trong đánh giá về tình hình nhân quyền trên thế giới. Thực tế đã chứng minh, tuy mới là lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ nhưng Việt Nam luôn chủ động đóng góp tích cực cho hoạt động nhân quyền của LHQ. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại khóa 31 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3-2016, Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật. Tại khóa 32 vào tháng 6-2016, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines là đồng tác giả nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em và được hơn 110 nước đồng thuận bảo trợ…

Hơn nữa, thực tế nhân quyền ở Việt Nam từ khi thành lập nước đến nay đã và đang được các quốc gia trên thế giới ghi nhận. Bằng chứng là “Chỉ số phát triển con người” (HDI) năm 2020 là 0,704, thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao nhất trên thế giới. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được. Một trong những thành tựu về nhân quyền có tính nhân văn sâu sắc là Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 118 chính sách liên quan đến việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020). Việc chăm lo, đảm bảo quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội còn được thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19, với Việt Nam: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết”… Do đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 thấp nhất trên thế giới. Điều này chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền được sống an toàn, khỏe mạnh cho mọi người dân - giá trị tối thượng của quyền con người.

Thành công của Việt Nam và sự cay cú của kẻ xấu

Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, đất nước càng phát triển, càng đổi mới thì những thế lực thù địch, phản động, những kẻ bất mãn với chế độ, những kẻ cơ hội chính trị ở cả trong, ngoài nước lại càng cay cú và cực đoan hơn. Chúng hô hào tập hợp lực lượng, kéo bè kéo cánh nhằm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời dùng mọi thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, xấu xa, bỉ ổi hòng xuyên tạc, bịa đặt, vu khống và tìm kiếm, bới móc để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chưa hết, chúng còn hả hê trước những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, chính quyền các cấp. Thậm chí, chúng còn tung ra những luận điệu mang nặng tính suy diễn, võ đoán về những số liệu, thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong những năm đổi mới. Mặc dù các số liệu về kinh tế - xã hội đều đã được các tổ chức có uy tín trên thế giới công bố.

Ngay sau khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh công khai chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội cùng với một số tổ chức lập tức la lối thất thanh, một mặt vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Thâm độc hơn, chúng còn dựa vào một số đài phát thanh tiếng Việt, các trang báo, trang mạng xã hội một mặt phản đối, một mặt ra sức bịa đặt, vu khống. Cụ thể là ngày 24-2-2021, trang tiếng Việt của đài BBC đã đăng bài có tựa đề: “Các nhà hoạt động Việt Nam bị nhóm hacker khét tiếng nhắm tới”. Đài VOA thì đăng bài “Ân xá quốc tế: Tin tặc VN tấn công người bất đồng chính kiến”. Còn đài RFA thì có bài “Nhóm tin tặc được Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn tấn công giới hoạt động”. Điều không nói thì ai cũng biết, đó là nội dung của tất cả bài báo này đều có cùng một giọng điệu, đều khai thác thông tin từ “nhóm kỹ thuật an ninh” thuộc tổ chức Ân xá quốc tế công bố ngày 24-2-2021. Theo đó, tổ chức này cho rằng, nhóm tin tặc Ocean Lotus (APT-32) đã “đứng sau chiến dịch tấn công an ninh mạng nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền cho Việt Nam”.

Trơ tráo hơn, tổ chức Ân xá quốc tế còn nhắm mắt nói mò rằng, APT-32 tiến công cả cơ quan chính phủ các nước láng giềng! Chưa hết, từ việc nghi ngờ APT-32 có liên hệ với Chính phủ Việt Nam, tổ chức Ân xá quốc tế đã phun ra lời vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, rồi đưa ra yêu cầu Việt Nam phải tiến hành “điều tra độc lập”, nếu không thì “Chính phủ Việt Nam đã đồng lõa”! Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả cả về kinh tế, xã hội ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tất cả những gì thế lực phản động, thù địch đã và đang ra sức chống phá càng làm cho bản chất xấu xa của chúng được phơi bày, còn thế giới thì hiểu rõ và đồng tình ủng hộ Việt Nam nhiều hơn.                        

  • Từ khóa
120908

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu