Thứ 7, 11/05/2024 00:54:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:50, 06/03/2021 GMT+7

Cử tri sẽ loại bỏ

Thảo Linh
Thứ 7, 06/03/2021 | 08:50:00 448 lượt xem
BPO - Thời điểm này, dư luận trong và ngoài nước đang quan tâm đến việc lựa chọn nhân sự để MTTQ và các đoàn thể giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội hóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thì trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện các tuyên bố tự ứng cử của các nhà “dân chủ”. Trong đó, nhà “dân chủ” Lê Dũng Vova vừa khoe trên trang facebook cá nhân rằng anh ta sẽ tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Dũng còn đăng lý lịch của mình và đề nghị “bà con cử tri hãy Vote cho Dũng Vova nhé, hồ sơ đang làm đây rồi”.

Không phải đến bây giờ mà từ nhiệm kỳ trước đã xuất hiện phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội của một nhóm người được biết đến với tên gọi mĩ miều là “các nhà hoạt động dân chủ”. Họ cho rằng tự ứng cử là nhằm thúc đẩy quá trình thực thi dân chủ, dân quyền theo các nước phương Tây. Thoạt nghe, có người sẽ nhầm tưởng họ đang theo đuổi những giá trị tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là sự ngụy tạo. Ý đồ của họ là tìm cách chui vào cơ quan quyền lực cao nhất để thực hiện các hoạt động chống phá. Nếu không đạt được mục đích thì sẽ lợi dụng vấn đề để tuyên truyền, xuyên tạc rằng bầu cử không công bằng, mất dân chủ.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, đại biểu Quốc hội phải bảo đảm 7 tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chuẩn đầu tiên là phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; có phẩm chất đạo đức tốt. Tiếp đến là phải có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… Thế nhưng, nhìn vào thành phần cốt cán của “phong trào tự ứng cử” từ nhiệm kỳ trước với các gương mặt: Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Bích Hằng và bây giờ là Lê Dũng Vova, Nguyễn Trọng Hùng sẽ thấy họ chỉ là những người có nhiều tiền án, tiền sự với bề dày “thành tích” chống phá chính quyền, chống phá đất nước mà thôi.

Hãy nhìn vào quá trình trượt dài của Lê Dũng Vova trên “con đường dân chủ” xem anh ta có được tiêu chuẩn nào của đại biểu Quốc hội không! Từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa nhưng do ảo tưởng về bản thân nên Lê Dũng (tên thật là Lê Văn Dũng) bắt đầu tham gia các hoạt động biểu tình gây rối từ năm 2011. Dũng lợi dụng các vấn đề phức tạp về chủ quyền biên giới, khiếu kiện đất đai tại một số địa bàn như Dương Nội, Tiên Lãng, Văn Giang; vấn đề ô nhiễm môi trường; việc bắt giữ, xử lý số đối tượng chống đối hay lợi dụng danh nghĩa tưởng niệm các sự kiện lịch sử để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Từ năm 2017, Lê Dũng điều hành “Kênh 4” của “Phong trào chấn hưng nước Việt” - một kênh tuyên truyền chống phá Việt Nam. Đầu năm 2018, Dũng Vova đứng đầu nhóm “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Y đã tạo lập nhiều tài khoản như “Lê Văn Dũng”, “Le Dung vova”, “Chấn hưng tivi Việt Nam” và lôi kéo 6 đối tượng ở các địa phương tham gia; công khai thành lập 1 kênh “Tiếng dân tivi”, 1 kênh “Eva tivi”, 5 kênh “Chấn hưng Tivi” trên YouTube, Facebook. Dũng đã thực hiện hàng ngàn video clip xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm của xã hội đăng trên các facebook và cùng các đối tượng trong băng nhóm tích cực phát triển lực lượng chống đối; lôi kéo số người khiếu kiện cực đoan tại các địa phương; thu thập thông tin về các vụ khiếu kiện để xuyên tạc, tán phát trên mạng xã hội… Với bề dày “thành tích” ấy, liệu Dũng Vova có qua được “vòng gửi xe” mà đòi tự ứng cử đại biểu Quốc hội!

Trên thực tế, những người tự ứng cử và cổ xúy cho “phong trào tự ứng cử” như Dũng Vova hay Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh… một mặt nhằm ngụy tạo vỏ bọc, che giấu bản chất, hành vi chống phá; mặt khác, thông qua mạng xã hội để tán phát thông tin sai sự thật, phá hoại quá trình tổ chức bầu cử ở nước ta. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hầu hết những người tự ứng cử là các “nhà hoạt động dân chủ” đều nhận mức tín nhiệm ở mức thảm hại từ lần tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Thậm chí nhà “dân chủ” Nguyễn Thúy Hạnh còn không dám tham dự phiên lấy phiếu tín nhiệm của mình vì biết trước kết quả sẽ ê chề. Và vì biết chắc với “thành tích” chống phá đất nước, những người tự ứng cử như Nguyễn Quang A, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Dũng Vova… sẽ bị loại ngay từ vòng đầu nên họ ráo riết xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở để loại bỏ những người tự ứng cử. Họ xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng là không khách quan, thiếu dân chủ và tiêu cực... Đây là sự quy chụp bởi quy trình, thủ tục về hồ sơ tự ứng cử của công dân được công khai trên các phương tiện truyền thông. Việc người tự ứng cử có tên trong danh sách bầu cử hay không là căn cứ vào kết quả hiệp thương. Quá trình hiệp thương được thực hiện công khai, minh bạch với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQVN và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Bởi thế không thể nói “Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở, phối hợp để loại bỏ những người tự ứng cử”.

Nhìn lại các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND trước đây sẽ thấy, có những người tự ứng cử đã trúng cử với số phiếu cao, bởi họ có đủ tiêu chuẩn, đủ tín nhiệm và được cử tri tin tưởng lựa chọn. Còn với những kẻ tự ứng cử chỉ để leo cao, luồn sâu chống phá chế độ, chống phá đất nước thì cử tri và người dân sẽ dễ dàng nhận rõ bản chất để tẩy chay, loại trừ. Đó là lý do vì sao từ trước tới nay chẳng có nhà “dân chủ” nào chui được vào Quốc hội!

  • Từ khóa
120819

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu