Thứ 7, 11/05/2024 00:20:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:48, 28/02/2021 GMT+7

Những kẻ đại nghịch

Nhật Minh
Chủ nhật, 28/02/2021 | 08:48:11 722 lượt xem
BPO - Ngày 10-2-2021, Báo Quảng Trị điện tử cho biết, chiều cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 2 bị can để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực năm 2018. Hai người bị khởi tố gồm: Phan Bùi Bảo Thy, SN1971, quê ở Quảng Trị, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, là Trưởng Văn phòng đại diện của Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây nguyên (văn phòng tại TP. Đà Nẵng) và Lê Anh Dũng, SN1965, trú phường An Phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Theo Công an tỉnh Quảng Trị, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tài khoản facebook như: Thu Hà, Hoàng Lê và các fanpage Lý Dương Tú, Quảng Trị 357, tin Quảng Trị 246... đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của rất nhiều cá nhân. Trong đó có một số lãnh đạo tỉnh và trong các bộ, ngành ở Trung ương. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân đồng chí lãnh đạo, cũng như vai trò, vị trí, chức năng của các cơ quan nhà nước trong một thời gian dài. Đồng thời, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; ảnh hưởng xấu tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Sau một thời gian và qua tiếp nhận tin báo tội phạm, lực lượng chức năng đã thu thập nhiều tài liệu liên quan đến hành vi nêu trên và xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn. Ngày 4-2-2021, cơ quan chức năng đã thực hiện khám xét đối với Lê Anh Dũng khi người này đang trên đường rời TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để vào TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong điện thoại di động của Dũng có nhiều tài liệu phản ánh về việc người này trực tiếp quản trị, điều hành và đăng tải các bài viết, hình ảnh lên các trang mạng xã hội có nội dung nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân là cán bộ, đảng viên, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành ở Trung ương.

Từ lời khai và những dữ liệu thu được từ các thiết bị điện tử của Dũng, ngày 5-2-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Phan Bùi Bảo Thy. Qua đấu tranh khai thác và kết hợp kiểm tra, trích xuất dữ liệu trên điện thoại, máy tính cá nhân, Thy không còn đường chối cãi và khai nhận đã cùng Dũng soạn thảo nhiều bài viết có nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, rồi cho đăng tải trên mạng xã hội, tổng có 10.000 trang tài liệu liên quan đã được thu giữ. Vì vậy, ngày 5 và 6-2-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ 2 tháng đối với Lê Anh Dũng và Phan Bùi Bảo Thy về hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành. 

Thật đáng buồn vì Phan Bùi Bảo Thy không phải là “con sâu” đầu tiên trong giới báo chí Việt Nam. Trước đó, ngày 7-10-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang, về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. 

Từ tháng 3-2010, Thy từng là phóng viên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Nhưng từ năm 2013, y bắt đầu đóng vai “người bất đồng chính kiến”. Được sự tài trợ, cổ xúy của thế lực không thân thiện với Việt Nam trong chính giới phương Tây, các tổ chức nhân quyền cực đoan và một số đối tượng ảo tưởng chính trị ở bên ngoài, y “nổi” lên trở thành đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”. Chưa hết, y còn móc nối với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE” để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ xúy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước. Y đã viết hàng trăm tài liệu và 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn “kỹ năng”, cách thức đối phó với cơ quan an ninh như “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”... nhằm kích động lật đổ chế độ.

Ngày 21-8-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam Trần Thị Tuyết Diệu, SN 1988, trú thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, theo quy định của Bộ luật Hình sự. Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), Diệu được tiếp nhận làm phóng viên Báo Phú Yên. Nhưng Diệu không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mà đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, video/clip có nội dung cổ xúy những đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; phỉ báng, kích động lật đổ chính quyền nhân dân, đòi đa nguyên đa đảng; truyền tải nhiều thông tin sai sự thật về hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật; tỏ thái độ bất hợp tác, chống đối cơ quan chức năng khi được mời làm việc…

Tại sao Phan Bùi Bảo Thy, Phạm Thị Đoan Trang rồi Trần Thị Tuyết Diệu được sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa lại mau chóng trở thành những kẻ “ăn cháo đá bát” như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì họ là những kẻ có học nhưng lại không có cả tài lẫn đức và danh dự, nhân phẩm. Vì thế, khi có “mùi” của đồng đô la, lại được “hà hơi” tiếp sức của các thế lực phản động, thù địch thì ngay cả với chính người sinh ra, họ cũng sẵn sàng phản bội. Từ những “gương mặt đen” này cho thấy, sự xa rời các phẩm chất đạo đức, xa rời trách nhiệm với cộng đồng của một bộ phận các nhà báo trong sự biến đổi của đời sống xã hội đang trở thành một trong những vấn đề thời sự được quan tâm. Trong khi tài sản quý giá nhất của tờ báo và nhiều nhà báo chính là lòng tin của người dân. Vì vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo cần được chú trọng hơn lúc nào hết. 

Vâng, một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với xã hội thì sẽ không bao giờ đi ngược lại với các quy định pháp luật, không thể dùng ngòi bút của mình để viết ra những điều gây tổn thương cho cộng đồng, gây tổn hại cho quốc gia, dân tộc. Và điều quan trọng hơn nữa, dù bất kỳ ai, làm bất cứ công việc gì thì cũng đừng bao giờ để lại tiếng ở đời là kẻ phản bội, kẻ bất hiếu. Bởi vì, đây là 2 tội đại nghịch, với quốc gia thì đó là tội lớn nhất; đối với gia đình, đây là tội không thể tha thứ.

  • Từ khóa
120599

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu