Thứ 6, 10/05/2024 11:37:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:41, 12/12/2020 GMT+7

Kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thanh Hải
Thứ 7, 12/12/2020 | 09:41:00 402 lượt xem

BPO - Không phải chỉ những năm gần đây, mà từ nhiều năm trước đến hiện nay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị ở cả trong, ngoài nước thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân ta. Một trong những âm mưu thâm độc mà chúng thường xuyên sử dụng là vu khống, bóp méo sự thật và xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Thậm chí có kẻ còn ngông cuồng phán rằng, KTTT cùng các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau. Từ đó, chúng đi đến kết luận: Nếu ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không có sức thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Và cuối cùng, chúng cũng “lòi cái đuôi cáo” ra, rằng: Nếu Việt Nam từ bỏ “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn.

Với âm mưu thâm độc ấy, từ nhiều năm nay chúng đã công khai chống phá kinh tế nước ta ở cả trong và ngoài nước bằng việc vận động, tuyên truyền các quốc gia trên thế giới không công nhận kinh tế Việt Nam là nền KTTT. Chúng lập luận rằng, Nhà nước ta tuy có chủ trương phát triển KTTT, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hình thức sở hữu; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhưng Nhà nước ta lại cũng đồng thời xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thì như thế là có sự phân biệt đối xử, không thể có công bằng, bình đẳng. Do đó, Việt Nam không thể có KTTT. Cũng với luận điệu nêu trên, chúng cho rằng, Nhà nước ta lại xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động cả trong nước và ngoài nước thì nền KTTT sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước tư bản khác chứ không phải phát triển theo định hướng XHCN. Và rồi chúng tự đi đến kết luận: Việt Nam nói định hướng XHCN chỉ là chủ quan, duy ý chí hay là tự lừa dối chính mình, lừa dối người khác mà thôi...

Bằng thủ đoạn “ảo tưởng về sự thật” và học theo tư tưởng của Joseph Goebbels - Bộ trưởng tuyên truyền của phát xít Đức, rằng: “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật”, nên những luận điệu dối trá nêu trên vẫn được các thế lực thù địch, phản động chuyên chống phá Việt Nam lặp lại nhiều lần. Và âm mưu thâm độc này đã có những tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Từ đó, chúng làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời có tác động ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc cần phải làm là kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái về con đường phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân đã chọn.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần chỉ rõ sai lầm của những kẻ cho rằng không thể có nền KTTT định hướng XHCN. Vì họ đã đồng nhất KTTT với KTTT tư bản chủ nghĩa. Chưa hết, sai lầm kế tiếp của họ là ở chỗ khẳng định rằng, chỉ có một loại KTTT là KTTT tư bản chủ nghĩa. Nguyên nhân dẫn đến sự mù quáng trong lý luận kinh tế học này của họ là ở chỗ quan hệ KTTT và các quan hệ tư bản là hoàn toàn khác nhau và hoàn toàn không phải do chủ nghĩa tư bản đẻ ra. Mà lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh rằng, nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa. Do đó, các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của nền KTTT. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản ra đời, nhưng đã được chủ nghĩa tư bản nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT tư bản chủ nghĩa. Điều này đã được Friedrich Engels và Karl Marx chỉ rõ, chứng minh trong học thuyết của mình.

Sai lầm tiếp theo của họ là ở nhận thức rằng, KTTT tư bản chủ nghĩa “nhất thành, bất biến” và sẽ không bao giờ thay đổi. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Khi nó mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Từ đó, cuộc sống đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước để hạn chế, khắc phục những khuyết tật bẩm sinh do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa. Bằng chứng hùng hồn là hiện nay, trong nền KTTT của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, tức là nền kinh tế vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước.

Đặc biệt, sự ngớ ngẩn trong tư duy kinh tế của các thế lực phản động là cố tình bịt mắt để không nhận ra điều cốt lõi của nền KTTT có sự quản lý, điều tiết của nhà nước ở mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Thậm chí, trên thế giới có nhiều mô hình quản lý kinh tế của các nhà nước khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia. Ví như mô hình phát triển kinh tế của Hàn Quốc khác với Nhật Bản hay mô hình của các nước tư bản ở châu Âu hoàn toàn khác với Mỹ. Hơn nữa, KTTT hay KTTT tư bản chủ nghĩa và KTTT định hướng XHCN là sản phẩm của văn minh nhân loại. Do đó, sự phát triển của nhân loại sẽ kéo theo sự phát triển của tất cả thiết chế trong đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, trong tất cả nền KTTT trên thế giới hiện nay đều có hoạt động của các quy luật kinh tế của KTTT và có vai trò quản lý của nhà nước. Bởi vì, Nhà nước quản lý để vừa bảo đảm, tôn trọng hoạt động của các quy luật KTTT, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật KTTT gây ra. Nếu như không có sự quản lý của nhà nước thì làm sao có “thương chiến Trung - Mỹ” và làm sao giữa các quốc gia trên thế giới có hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương?

Sau gần 35 năm đổi mới, nền KTTT định hướng XHCN của nước ta hiện nay đã và đang được nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới công nhận. Bằng chứng là theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-11-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, có 2.313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 33,5% và tổng vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 7,6% so cùng kỳ năm 2019. Nếu một quốc gia không có nền KTTT thì sao có thể thu hút đầu tư nước ngoài được như vậy? Câu hỏi này đang chờ câu trả lời từ những kẻ thường xuyên phá bĩnh, chuyên chống phá Việt Nam!

  • Từ khóa
112926

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu