Thứ 6, 26/04/2024 21:44:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:14, 12/08/2020 GMT+7

Tương lai của cây điều đến năm 2030 - Bài cuối

Thứ 4, 12/08/2020 | 07:14:00 2,509 lượt xem
BPO - Là cây công nghiệp trọng điểm của tỉnh, trong 10 năm tới, Bình Phước đã đặt ra mục tiêu nâng năng suất cây điều cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Song song đó là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều phát triển cũng đã được ban hành.

TIẾP TỤC CHIẾN LƯỢC CÂY CHỦ LỰC

Để giúp nông hộ trồng điều yên tâm canh tác, không rơi vào “trồng - chặt, chặt - trồng”, cũng như giữ ổn định diện tích điều và đảm bảo nguồn điều nguyên liệu cho ngành sản xuất, chế biến điều của tỉnh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về vấn đề này.

Năng suất bình quân sẽ đạt 2,2 tấn/ha

* Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước, vậy ngành nông nghiệp có định hướng chiến lược phát triển cơ cấu ngành điều như thế nào trong thời gian qua và sắp tới thưa bà?

Là cây nông sản chủ lực, những năm trở lại đây, ngành điều Bình Phước phát triển mạnh mẽ và hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín, chế biến sâu. Các dòng sản phẩm điều đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường quốc tế. Trung bình mỗi năm, ngành điều mang về giá trị xuất khẩu khoảng 900 triệu USD. Riêng năm 2019, giá trị xuất khẩu điều Bình Phước đạt 904 triệu USD. Với mục tiêu xây dựng ngành điều Bình Phước phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao theo hướng bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định ngành điều là ngành mũi nhọn của tỉnh và đã có chiến lược cụ thể theo từng giai đoạn.

Cán bộ Sở NN&PTNT tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn điều tại huyện Đồng Phú

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, ở khâu canh tác, Bình Phước ổn định diện tích điều hiện có, diện tích điều kinh doanh đạt 158 ngàn ha. Năng suất bình quân 2 tấn/ha. Trong đó, năng suất tại khu vực thâm canh đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên. Tổng sản lượng điều đến năm 2025 đạt 316 ngàn tấn. Đối với các giống điều sẽ sử dụng 100% giống điều đã được Bộ NN&PTNT và địa phương công nhận trong trồng mới, tái canh vườn điều. Chú trọng phát triển mô hình xen canh dưới tán điều. Và diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 10 ngàn ha theo hướng đa canh.

Ở khâu chế biến, tổng công suất thiết kế đạt 500 ngàn tấn/năm; chế biến sâu nhân điều đạt 10 ngàn tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD/năm.

Đến năm 2030: Đối với lĩnh vực canh tác, ổn định diện tích điều đạt 178 ngàn ha. Diện tích điều kinh doanh đạt 167 ngàn ha. Năng suất 2,2 tấn/ha, trong đó năng suất tại khu vực thâm canh đạt từ 3 tấn/ha trở lên. Tổng sản lượng điều đến năm 2030 sẽ đạt 367 ngàn tấn. Có ít nhất 10 ngàn ha điều sản xuất theo quy trình được chứng nhận. Hình thành ít nhất 4 chuỗi liên kết sản xuất điều tại 4 huyện trọng điểm sản xuất điều như: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 20 ngàn ha theo hướng đa canh. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản vườn điều đến hộ nông dân.

Ở khâu chế biến: Tổng công suất thiết kế ổn định 500 ngàn tấn/năm, chế biến sâu nhân điều đạt 15.000 tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 900 triệu USD/năm.

Sẽ nghiên cứu giống mới đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha

* Tỉnh có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, trong đó có ngành điều. Ngành nông nghiệp Bình Phước có những giải pháp, chiến lược như thế nào để tạo ra đột phá cho cây nông sản chủ lực này, thưa bà?

Điều là một trong những loại nông sản chủ lực của tỉnh, để tập trung nguồn lực phát triển điều bền vững, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để ngành điều phát triển đột phá thì thời gian tới cần tập trung mạnh vào các giải pháp về khoa học - kỹ thuật đối với 5 lĩnh vực:

Về giống, tiếp tục chỉ đạo bình tuyển cây đầu dòng hoặc hợp đồng với các tổ chức khoa học nghiên cứu giống điều mới đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha. Đối với tái canh, tập trung định hướng đến năm 2030 tái canh 100 ngàn ha điều đang độ tuổi già, cho năng suất thấp bằng bộ giống mới chất lượng và năng suất cao.

Ông Lê Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng kiểm tra sâu bệnh trên cây điều niên vụ 2019-2020

Về thâm canh, tuyên truyền, hướng dẫn thâm canh đúng quy trình cho từng loại đất và địa hình phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong xen canh, thúc đẩy cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa hình, thổ nhưỡng để tăng hiệu quả kinh tế đất như xen canh cà phê, cây ăn trái, ca cao, nuôi gà, trồng dược liệu dưới tán điều.

Về dự báo sẽ phối hợp với các ngành khác thực hiện, sẽ tập trung dự báo thị trường và sức cạnh tranh của mặt hàng điều xuất khẩu, dự báo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với ngành điều để nông hộ trồng điều, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến điều trên địa bàn tỉnh có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ sản xuất và kinh doanh tốt hơn.

Nhiều chính sách với doanh nghiệp điều

* Toàn tỉnh hiện có bao nhiêu hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều và ngành nông nghiệp có hỗ trợ, đồng hành với các đơn vị này như thế nào để đẩy mạnh phát triển ngành điều trong thời gian tới, thưa bà?

Toàn tỉnh hiện có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều. Trong đó 30 doanh nghiệp vừa, 110 doanh nghiệp nhỏ, 1.262 doanh nghiệp siêu nhỏ... Thời gian qua, Sở NN&PTNT luôn bám sát và hỗ trợ các đơn vị chế biến ở các lĩnh vực: Kết nối với doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ thông tin, đã tổ chức 3 buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chế biến điều về những khó khăn hiện nay, từ đó báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét có hướng hỗ trợ.

Về chuyên môn quản lý, phổ biến thông tin pháp luật liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản nhằm tạo ra các sản phẩm uy tín, chất lượng, an toàn. Lấy mẫu định kỳ gửi phân tích kiểm nghiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Thành lập đoàn và thẩm định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến hạt điều và đã cấp được 288 giấy chứng nhận cơ sở chế biến hạt điều đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 105 giấy an toàn thực phẩm cho cơ sở chế biến nhân hạt điều; 183 cơ sở chế biến sâu về hạt điều, gồm nhân hạt điều, hạt điều rang muối và các sản phẩm khác từ hạt điều, bao gồm cả cấp lại giấy chứng nhận.

Trong 5 năm tới, Bình Phước sẽ hình thành ít nhất 2 chuỗi liên kết sản xuất điều quy mô 100 ha/chuỗi, tại 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Song song đó, phấn đấu đạt ít nhất 5.000 ha điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết,
Phó giám đốc Sở NN&PTNT

Về chính sách, thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 5-7-2019 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước, Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng các chuỗi liên kết trên cây trồng, vật nuôi chủ lực, trong đó chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hạt điều, nhất là các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm theo chỉ dẫn địa lý, diện tích điều hữu cơ khoảng 5.000 ha với 3 chuỗi tiêu thụ. Các sản phẩm theo chỉ dẫn địa lý có 7 chuỗi do các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước xây dựng vùng nguyên liệu để thu mua và chế biến sâu.

Ở lĩnh vực công nghệ, chính sách đổi mới công nghệ chế biến được triển khai đến các doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện chính sách cho vay vốn để chuyển đổi công nghệ mới cũng góp phần nâng cao công suất, chất lượng của nhà máy và sản phẩm.

Về chính sách tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển của tỉnh cũng triển khai các chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến điều.

Mặt khác, trong các văn bản chỉ đạo sản xuất, Sở NN&PTNT có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu các chính sách để cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi giúp các doanh nghiệp có điều kiện vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong các đợt ảnh hưởng tình hình chung của dịch Covid-19.

* Trân trọng cảm ơn bà!                               

Ngọc Bích (thực hiện)

  • Từ khóa
45912

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu