Thứ 7, 27/04/2024 01:39:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:52, 22/09/2020 GMT+7

Trần Tấn - người lính mang tâm hồn thi sĩ

Đức Hòa
Thứ 3, 22/09/2020 | 09:52:00 1,543 lượt xem
BPO - Đại tá công an Trần Tấn sau khi vừa về hưu đã “bỏ phố lên rừng”, thực hiện cuộc hành trình mới của một doanh nhân, thầm lặng với khu nông trại sinh thái rộng 300 ha bình yên, thơ mộng tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Vừa làm kinh tế vừa làm thơ, sáng tác nhạc nên thấy ông như ngày càng trẻ ra so với độ tuổi của mình.

Quả thật để giới thiệu về cựu chiến binh, doanh nhân Trần Tấn phải thực hiện thể loại phóng sự, ký chân dung mới có thể nói hết được những gì ông đã đi trên hành trình của mình. Dường như rất đúng với nội dung ca khúc “Dấu chân người lính” mà nhạc sĩ Trần Tấn đã viết lại từ trong ký ức, hồi tưởng về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Ông chính là nhân chứng trong ca khúc mang đậm dấu ấn những ngày 30-4 lịch sử của đất nước.

DẤU CHÂN LẤM BỤI TRÊN THẢM ĐỎ

Ngày 30-4-1975, Trần Tấn cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập, vô tình đôi dép cao su của các anh đã để lại dấu bùn đất lấm lem trên tấm thảm nhung trải giữa sảnh lớn. Một chiến sĩ nói nhỏ: Không biết Hương người yêu của mình có biết chúng ta đang ở đây không? Mọi người chợt giật mình xúc động bật khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt cay nơi khóe mắt. Dấu chân ấy cứ ám ảnh, day dứt trong tâm trí ông mãi. Sau ngày giải phóng, ông được trở về với giảng đường đại học. Để nhớ lại chặng đường chiến tranh, ông hồi tưởng viết nên bài thơ đầu tay “Dấu chân người lính” rồi cất đi.

Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức trong ông lại ùa về. Đọc lại bài thơ, lần này những vần thơ do chính mình viết ra đã cho ông một niềm cảm xúc mới, cảm xúc của âm nhạc: “Người lính ấy đi qua chiến tranh/Đạp đỉnh Trường Sơn lội khắp bưng biền/Dấu chân anh, dấu chân đồng đội/Tạo thành muôn lối tiến về Sài Gòn… (trích “Dấu chân người lính”).

Ông cứ hát một cách say sưa, tự nhiên và nhớ được cả bài. Khi gặp đồng đội, bạn bè, ông hát thử cho họ nghe. Mọi người khen có ý nghĩa và hay nên khuyên ông nhờ nhạc sĩ ký âm, chỉnh sửa rồi làm nhạc, thu âm. Sau đó, ông mạnh dạn gửi Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và được đài chọn ca khúc này, thu âm, ghi hình chương trình ca nhạc, chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Niềm vui như dâng trào, vì ông không dám nghĩ bài hát của mình lại được chọn vào chương trình ca nhạc lớn như vậy.

TỪ “DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH” ĐẾN GIAI ĐIỆU TÌNH CA

Ca khúc đầu tay “Dấu chân người lính” được đồng đội, bạn bè yêu mến. Như tiếp thêm động lực, sau những giờ lo toan cho nông trại, Trần Tấn lại tìm niềm vui bằng cách sáng tác thơ, văn, truyện ngắn và hơn 20 ca khúc. Ông Tấn bộc bạch: Tôi sống với rừng, nghe rừng hát, nghe chim hót líu lo trên bầu trời xanh đầy nắng gió. Lòng tôi như được hòa vào thiên nhiên đất trời. Nhờ vậy mà tôi đã hát lên những giai điệu của bản tình ca về quê hương, mẹ, em, về tuổi thơ một thời…

Trong số đó, ông dành tình cảm sâu đậm cho quê hương Bình Phước qua các ca khúc “Bình Phước quê hương tôi”, “Suối Cam tình yêu của tôi”, “Rừng cao su cuối thu”… với giai điệu ngọt ngào sâu lắng, nồng nàn, lãng mạn. Đặc biệt ca từ của Trần Tấn giàu hình ảnh, đậm chất thơ. Có thể nói Trần Tấn đến với thơ, nhạc cũng như ông đến với rừng, lạc quan, hồn nhiên và đầy chất lính…

Trần Tấn sinh năm 1950, tại xã Sơn Đông, huyện Ngọc Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 16 tuổi, Trần Tấn xung phong đi bộ đội, được học tập tại Trường Công an Việt Bắc, nơi đào tạo trinh sát cho an ninh chiến trường miền Nam. Sau đó, ông được điều về Trường Công an Trung ương đóng tại Hà Đông để học ngoại ngữ, nghiệp vụ thêm 3 năm. Năm 1974, Trần Tấn xung phong đi B, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều về công tác tại Bộ Công an và đi học tiếp đại học, chuyên ngành Ngữ văn. Tốt nghiệp đại học, ông về công tác ở Phòng Khoa học, kiêm biên tập viên Tạp chí Khoa học Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu.

ÐẾN VỚI QUÊ HƯƠNG BÌNH PHƯỚC

Năm 1995, Chính phủ có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất cho doanh nghiệp phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây nông, công nghiệp. Sau quá trình tìm hiểu, ông Tấn quyết định “bỏ phố lên rừng” để lập dự án trồng rừng. Người lính năm xưa lại khát vọng cho một hành trình mới bằng dự án “Du lịch sinh thái và phát triển kinh tế từ rừng”. Ông Tấn dồn hết tâm huyết và vật lực cho nông trại 300 ha với bạt ngàn màu xanh của cây, nơi thu hút và trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã như: hươu, nai, heo rừng, khỉ, chồn, nhím. Dưới hồ ao nuôi cá, có cả những đàn vịt trời, chim cò bay về tìm nơi cư ngụ. Năm 2018, sau khi khảo sát nông trại của ông, Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã xác lập 2 kỷ lục, một là Nông trại du lịch sinh thái có cây cầu gỗ lợp ngói, đà cầu bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất (trên cầu còn có ngôi nhà gỗ rộng hơn 3m, dài 18m. Hai là tòa Tháp Sơn đăng cao hơn 40m, có 9 tầng theo hình lục giác. Công trình này do chính ông Trần Tấn thiết kế.

Mọi người thường nghĩ, ở độ tuổi như ông là dành thời gian để nghỉ ngơi, viên mãn, hạnh phúc bên con cháu gia đình. Nhưng có lẽ chất lính trong ông Tấn vẫn mang ngọn lửa khát vọng “Sống chiến đấu, lao động, học tập” theo gương Bác Hồ vĩ đại.

  • Từ khóa
94355

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu