Thứ 6, 26/04/2024 19:29:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:10, 13/05/2013 GMT+7

Tìm thủ lĩnh thanh niên - bài toán khó của đoàn các cấp

Thứ 2, 13/05/2013 | 15:10:00 266 lượt xem

Tập hợp và huy động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động phong trào đoàn hiện nay ở các thôn, ấp gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là tổ chức đoàn đang thiếu một thủ lĩnh thật sự, trong khi nhân sự lại thường xuyên biến động.

Theo số liệu thống kê của Tỉnh đoàn, từ cuối năm 2012 đến hết tháng 3-2013, toàn tỉnh có 203 phó bí thư, bí thư chi đoàn các thôn, ấp; 14 phó bí thư, bí thư xã, phường, thị trấn chuyển công tác hoặc bỏ việc. Nguyên nhân vẫn là không tâm huyết, chế độ chính sách chưa bảo đảm nên cán bộ đoàn chọn công việc tốt hơn. Sự biến động cán bộ đoàn đã ảnh hưởng lớn đến phong trào đoàn cơ sở. Anh Nguyễn Văn Nam, Bí thư xã đoàn Tân Lập (Đồng Phú) than thở: Xã có 9 ấp, từ đầu năm đến nay có 3 bí thư chi đoàn ấp bỏ việc, một phó bí thư xã đoàn xin thôi việc vì lập gia đình.


Đồng chí Giang Văn Khoa, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy thăm, tặng quà chiến sĩ trẻ tình nguyện tại mặt trận huyện Bù Đốp 
- Ảnh: H.T

Anh Lương Văn Thi hiện là Phó công an xã Tân Lập, nguyên bí thư chi đoàn ấp 5 chia sẻ: Năm 2006, tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học không đậu nên tôi ở nhà giúp gia đình làm rẫy và tham gia phong trào đoàn, sau đó được bầu làm bí thư chi đoàn ấp. Một thời gian sau tôi đăng ký đi nghĩa vụ công an. Xuất ngũ tôi lại tiếp tục trở về làm Bí thư chi đoàn ấp để góp phần củng cố phong trào. Thế nhưng do thích làm công an hơn nên năm 2011 tôi đã chủ động đào tạo người thay thế và chuyển qua làm công an viên.

Trường hợp của Thi là số ít những bí thư chi đoàn tìm được người thay thế. Còn lại những bí thư, phó bí thư chi đoàn thôn, ấp đều bỏ việc khi chưa hết nhiệm kỳ mà không báo với Đoàn cấp trên. “Đến khi phát hiện ra thì chi đoàn đó đã không hoạt động trong thời gian dài, Xã đoàn lại phải phối hợp chi bộ ấp tìm nguồn bổ sung. Và chỉ riêng việc củng cố lại chi đoàn ấp đã không còn thời gian triển khai các hoạt động khác ở cơ sở nữa”, anh Nam nói.

Chính bởi nguyên nhân thay đổi người “xoành xoạch” dẫn đến ấp tìm được người thay thế thì bước đầu “thủ lĩnh” này nói chẳng ai nghe!? Ấp nào được chi bộ quan tâm thì còn có sự hỗ trợ, động viên, không thì bí thư mới phải tự “bơi”.

Kinh phí hoạt động, hỗ trợ ít nên người làm thủ lĩnh phải thật sự đam mê, có kinh tế vững. “Một bí thư giỏi phải là người khéo léo, nói được, làm được và quan hệ tốt với ban ấp. Thế nhưng tìm được một người như vậy là rất khó”, anh Phạm Anh Tuấn, Phó bí thư thường trực Huyện đoàn Bù Đăng cho biết.

Theo anh Nguyễn Sỹ Quân, Bí thư huyện đoàn Lộc Ninh thì công tác đoàn các cấp hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực yếu kỹ năng. Làm phong trào độ tuổi từ 22 đến 30 là phù hợp nhất. Quá tuổi là tư tưởng, nhiệt huyết không còn được như lúc đầu.

Hiện nay các hoạt động của phong trào đoàn ở cơ sở chỉ tập trung vào một số ngày lễ lớn trong năm như 26-3, 15-10, tết Nguyên đán. Các tháng còn lại chi đoàn hoạt động cầm chừng theo hướng dẫn của xã đoàn, rất hiếm thấy phong trào tự phát của đoàn viên thanh niên thôn ấp. Anh Tại Kim Cương, Bí thư chi đoàn ấp 3, xã Tân Lập (Đồng Phú) cho biết: Ấp 3 có 350 thanh niên, mỗi tháng sinh hoạt định kỳ, nhưng chỉ có khoảng 10 người tham gia. Các bạn khác phần lớn đi làm xa hoặc đi học, số ít thanh niên ở nhà cũng phụ giúp gia đình làm rẫy. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt phải “lựa ngày để tiện cho các bạn tham gia. Nói chung công tác tập hợp thanh niên hiện nay là rất khó”.

Vấn đề này đang là bài toán khó của các cấp bộ đoàn trong tỉnh hiện nay, dù đã có nhiều giải pháp được đặt ra. Tuy nhiên, để có những giải pháp đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhằm bồi dưỡng, đào tạo, giúp những thủ lĩnh thanh niên tâm huyết với phong trào thì rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện thường xuyên, liên tục, có trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.   

Phương Dung

  • Từ khóa
81247

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu