Thứ 6, 26/04/2024 23:05:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:45, 24/06/2020 GMT+7

Phú Riềng nỗ lực phát triển giáo dục toàn diện

Thanh Liêm - Đông Kiểm
Thứ 4, 24/06/2020 | 06:45:00 615 lượt xem
BPO - Ngay từ khi thành lập, huyện Phú Riềng đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển ngành giáo dục, từ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Nhờ đó, 5 năm qua, ngoài chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, nhiều trường trên địa bàn còn được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang và trang bị thiết bị dạy học hiện đại.

Nâng cao chuyên môn, hoàn thiện cơ sở vật chất

Trong giai đoạn 2015-2020, để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng GD-ĐT huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đến nay huyện đã giảm được 4 trường (1 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học). So với khi mới tách lập, toàn huyện giảm 4 trường công lập, 5 điểm lẻ; giảm 4 hiệu trưởng, 105 viên chức hành chính, 165 nhân viên hợp đồng 68, tăng 2 trường tư thục. Số biên chế được giao giảm 65 so với năm 2015.

Học sinh Trường mầm non Phú Riềng, huyện Phú Riềng trong giờ vui chơi ngoài trời 

Những năm qua, ngành giáo dục luôn khuyến khích công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; hướng dẫn các đơn vị quy hoạch nguồn cán bộ quản lý giai đoạn 2015-2020; quản lý, sử dụng viên chức theo đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp… Về chuyên môn, ở bậc mầm non có 69,45% trên chuẩn và 30,55% đạt chuẩn; tiểu học đạt chuẩn 12%, trên chuẩn 88%; THCS đạt chuẩn 36%, trên chuẩn 64%.

Hằng năm, huyện đều bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Toàn huyện không còn tình trạng học ca 3, không có phòng học tạm; 50% số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Năm 2020, UBND huyện đang tiếp tục xây dựng 58 phòng học lầu với tổng kinh phí 39,3 tỷ đồng cho các trường.

Thầy Nguyễn Văn Trúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: Năm học 2019-2020, huyện có 40 trường (38 trường công lập và 2 trường mầm non tư thục) với 20.408 học sinh, 1.409 cán bộ quản lý, giáo viên. Các trường luôn duy trì tốt nền nếp dạy học nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng

Để chất lượng giáo dục luôn được nâng lên, ở cấp mầm non, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ được ngành quan tâm đúng mức. Kết thúc học kỳ I, năm học 2019-2020, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 4,23%, so với đầu năm giảm 0,57%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 5,33%, giảm 0,77%; trẻ thừa cân, béo phì chiếm 3,71%, giảm 0,24%. Hằng năm, bậc học mầm non của huyện đều đoạt giải cao tại hội thi “Bé thông minh vui khỏe” cấp tỉnh.

Ở bậc tiểu học, các trường còn thực hiện dạy lồng ghép, tích hợp nội dung các chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm, dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vào tất cả môn học, hoạt động giáo dục. Kết quả, năm học 2018-2019, học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,8%; tỷ lệ học sinh học môn tự chọn tiếng Anh tính đến học kỳ I năm học 2019-2020 đạt 59,4%, so với đầu giai đoạn tăng 29,1%; tỷ lệ học sinh học môn tự chọn Tin học tính đến học kỳ I năm học 2019-2020 đạt 8,9% (đầu giai đoạn không có học sinh học môn học này).

Song song đó, các trường THCS cũng luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; thực hiện nhiều biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; tổ chức các phong trào văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Thầy Cao Việt Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Trường có 76 giáo viên đứng lớp, phần lớn tuổi nghề, tuổi đời cao nên có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngoài đề cao vai trò học thực chất, thi thực chất, từ năm học 2018-2019, trường còn bồi dưỡng học sinh giỏi theo chuyên đề, mỗi chuyên đề do 1 giáo viên phụ trách để chuyên sâu hơn, có môn tới 6 giáo viên bồi dưỡng. Ngay từ năm lớp 6, trường đã thành lập đội tuyển Toán, Văn, tiếng Anh theo sở thích các em, nhưng có sàng lọc dần để tạo động lực phấn đấu. Lên lớp 9, thành lập thêm các đội tuyển khác và bồi dưỡng ngay từ đầu kỳ nghỉ hè hằng năm...”.

Thầy Nguyễn Văn Trúc cho biết thêm: Sở GD-ĐT vừa có quyết định công nhận 611 em đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2019-2020. Đây là lần thứ 3 liên tiếp huyện Phú Riềng nhất toàn đoàn về số lượng, chất lượng với 76 giải, trong đó 11 giải nhất, 11 giải nhì, 26 giải ba, 28 giải khuyến khích. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm học 2018-2019 đạt 97,8%; học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt 98%.

Để phát triển giáo dục toàn diện, theo thầy Nguyễn Văn Trúc, ngoài tập trung nâng chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, ngành còn chú trọng công tác quản lý cấp cơ sở, công tác giảng dạy của giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh các cấp học. Bám sát các đề án, văn bản chỉ đạo của cấp trên để tổ chức thực hiện. Huy động các nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động giáo dục của các trường nhằm kịp thời tư vấn và chấn chỉnh những sai phạm…

  • Từ khóa
89703

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu