Thứ 6, 26/04/2024 23:07:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:26, 17/03/2020 GMT+7

Nuôi heo an toàn sinh học - hướng phát triển bền vững

Hiền Lương
Thứ 3, 17/03/2020 | 14:26:00 525 lượt xem
BPO - Phương pháp chăn nuôi theo hệ thống khép kín, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xác định là giải pháp phát triển bền vững, nhất là phòng chống tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi. Vì thế, ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp đã và đang tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi phát triển theo phương thức này.

Bình Phước hiện có 883.662 con heo, trong đó 86,3% số heo được nuôi theo quy mô trang trại, với 282 trang trại; số heo còn lại 132.326 con được 10.810 hộ chăn nuôi theo quy mô gia đình, chiếm 13,97% tổng đàn.

Trang trại chăn nuôi phần lớn tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Phú. Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập danh sách kiểm soát ATSH và khuyến cáo hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra - vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn. Phối hợp với chính quyền các cấp tập huấn cho các chủ hộ về quy trình, kỹ thuật nuôi theo hướng ATSH... Nhờ vậy, hiện nhiều hộ áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH.

Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học giúp hộ ông Phùng Văn Bảo, tổ 13, phường Hưng Chiến (Bình Long) phòng chống được bệnh dịch tả heo châu Phi

Gia đình ông Phùng Văn Bảo ở tổ 13, phường Hưng Chiến (Bình Long) đang nuôi 50 con heo nái và 450 con heo thịt theo thí điểm mô hình nuôi heo ATSH. Theo đó, khu chuồng được xử lý sạch sẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, con giống tuyển chọn kỹ, chất lượng. Trong quá trình nuôi, ông sử dụng men vi sinh bổ sung vào thức ăn cho heo, giúp kích thích tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, giúp đàn heo tăng trọng nhanh. Trước khi xuất bán 1 tháng, ông sử dụng thức ăn từ bắp, lúa lên men sinh học nhằm bảo đảm không còn tồn dư thức ăn công nghiệp trong cơ thể heo. Sử dụng kháng sinh thực vật thay cho các loại thuốc kháng sinh tổng hợp; định kỳ thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại... Từ khi áp dụng chăn nuôi ATSH, ông Bảo nhận thấy vật nuôi có sức đề kháng cao, hạn chế nhiễm các loại dịch bệnh nên chi phí kháng sinh giảm khoảng 30%, chi phí thức ăn giảm 10-15% và năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Do đó, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 15% so với nuôi theo phương pháp thông thường. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán khoảng 90 con heo thịt với trên 10 tấn heo hơi. Ông Bảo cho biết, nhờ chăn nuôi ATSH, cộng với bổ sung men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho heo nên trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, đàn heo nhà ông không có con nào bị bệnh.

Hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Phú Riềng) lúc nào trong chuồng cũng có từ 10-15 con heo nái và trên dưới 100 con heo thịt. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán khoảng 16 tấn heo thịt và hàng trăm con heo giống. Vì chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, lại ở gần khu dân cư nên ông Tằm đặc biệt quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt từ lựa chọn thức ăn, nước uống đến phòng bệnh cho heo đều được ông ghi chép tỉ mỉ. Nhờ vậy, trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, đàn heo nhà ông vẫn phát triển ổn định. Ông Tằm cho rằng, nuôi heo chú ý giai đoạn chuyển mùa, heo hay bị bệnh, do vậy thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, các vitamin nhóm B, C trộn vào thức ăn, nước uống để heo tăng sức đề kháng.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Trần Văn Phương cho biết: Chăn nuôi theo hướng ATSH là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Do vậy, để cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, trung tâm đã giám sát chặt chẽ trong cả quy trình, từ khâu chăm sóc, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối. Đặc biệt là không được sử dụng thuốc quá liều cho phép, lạm dụng thuốc kháng sinh và tuyệt đối không sử dụng các hóc môn tăng trưởng. Thời gian tới, Bình Phước sẽ nhân rộng nuôi heo ATSH, khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nhằm đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi ATSH, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập và cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ thị trường.

  • Từ khóa
45556

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu