Thứ 7, 27/04/2024 09:55:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:09, 30/06/2020 GMT+7

Gia đình - cái nôi nuôi dưỡng tinh thần cho trẻ

N. Huyền - V. Bằng (thực hiện)
Thứ 3, 30/06/2020 | 15:09:00 628 lượt xem

BPO - Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần cho trẻ. Đó cũng là nơi đặt những viên gạch móng đầu tiên định hình nhân cách của trẻ về sau. Vì vậy, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trẻ. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ giáo dục Uông Thị Lê Na, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Tâm Bình An, TP. Đồng Xoài về vấn đề này.

PV: Người xưa có câu "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", theo chị trong cuộc sống hiện đại, chúng ta nên dùng "đòn roi" hay "yêu thương" để dạy trẻ trở thành người tốt?

Tiến sĩ Uông Thị Lê Na: Xét theo nghĩa đen, “thương cho roi” nghĩa là dùng đòn roi để uốn nắn, giáo dục, còn “ghét cho ngọt cho bùi” hiểu nôm na là dùng lời nói tốt đẹp cho qua chuyện chứ không thật lòng chỉ bảo để mong người khác tốt lên. Tuy nhiên, câu nói này của người xưa thường được hiểu theo nghĩa bóng. “Thương cho roi” ở đây là cho con đạo lý, lẽ phải, sự công bằng, chân lý, dạy con biết phân biệt và nhận thức rõ sự đúng, sai. Được sống trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh thì trẻ sẽ trưởng thành và có nhân cách tốt. Chứ không phải cứ đánh roi đau vào thể xác thì trẻ mới phát triển tốt được.

PV: Ở giai đoạn đầu đời, ông bà, cha mẹ nên chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường sống trong gia đình như thế nào để nuôi dưỡng tinh thần khỏe mạnh cho trẻ, thưa chị?

Tiến sĩ Uông Thị Lê Na: Theo tôi, gia đình là cái nôi, là chỗ dựa vững chắc nhất về vật chất lẫn tinh thần, đặt những viên gạch đầu tiên để trẻ phát triển nhân cách. Chính vì vậy, ông bà, cha mẹ phải là những tấm gương sáng để con cháu noi theo. Một gia đình tràn ngập sự yêu thương, tình cảm chan hòa, sự hòa thuận, kính trên nhường dưới sẽ bước đầu hình thành những phẩm chất tốt đẹp nơi trẻ. Từ nền tảng đó, các con được thầy cô, môi trường xã hội giáo dục, phát triển lên, cộng thêm sự tự mở mang học hỏi sẽ giúp con trẻ có được những nhân cách tốt.

PV: Đối với những trẻ hiếu động, phụ huynh cần lưu ý những điều gì để trẻ ngoan ngoãn nghe lời và biết làm nhiều điều tốt, thưa chị?

Tiến sĩ Uông Thị Lê Na: Không có một cuốn sách nào có thể dạy các bậc phụ huynh cách ứng xử với những đứa con của mình. Mỗi trẻ có một tính cách hoàn toàn khác nhau. Do đó, các bậc phụ huynh sẽ phải là những “thầy thuốc” cực giỏi để “kê đơn, bốc thuốc” cho con mình. Đối với những đứa trẻ hiếu động, không phải dùng roi vọt là trẻ sợ và nghe theo. Đa số cha mẹ dùng roi vọt khi đã sử dụng hết các biện pháp như: giao tiếp, trao đổi, cầm tay chỉ việc, tư vấn, khuyến khích động viên… mà không có hiệu quả. Trong một công việc, thay vì dùng đòn roi để bắt trẻ làm theo, các bậc phụ huynh nên cho con có nhiều lựa chọn, con có thể chọn phương án này hoặc phương án kia. Về ngôn ngữ, các bậc phụ huynh phải nhất quán. Lời nói của cha mẹ phải đi đôi với việc làm, nếu nói một đường, làm một nẻo thì con sẽ mất lòng tin và sẽ trở thành người phụ huynh không uy tín trước con.

PV: Theo chị, trẻ cần được trang bị những kỹ năng nào để hoàn thiện về nhân cách?

Tiến sĩ Uông Thị Lê Na: Đầu tiên, phải trang bị cho trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân. Thứ hai là kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng an toàn với bản thân khi gặp nguy hiểm. Thứ ba, trẻ phải được trau dồi khả năng yêu thích, học hỏi đọc sách. Một kỹ năng nữa không phải riêng trẻ mà bất cứ ai cũng cần, đó là yêu thương, hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Bởi nếu không yêu thương người thân trong gia đình thì không thể yêu thương ai khác. Ngoài những kỹ năng cơ bản này cũng còn một số kỹ năng bổ trợ khác mà trẻ có thể rèn luyện như: chia sẻ, hợp tác, lắng nghe, cư xử lịch sự…

PV: Trân trọng cảm ơn chị! 

  • Từ khóa
94308

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu