Thứ 7, 27/04/2024 08:08:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:53, 10/03/2020 GMT+7

Đồng Phú chú trọng phát triển chăn nuôi

Minh Hiền
Thứ 3, 10/03/2020 | 08:53:00 1,074 lượt xem
BPO - Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Phú đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; chủ động nguồn thức ăn; phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó góp phần cải thiện kinh tế hộ và từng bước nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Chị Đặng Thị Bé ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến từ hộ thuộc diện khó khăn, đến nay nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi mà kinh tế gia đình chị đã dần ổn định. Năm 2015, chị nuôi gà ta trong chuồng với giống gà ba chọi Bình Định. Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các trại nuôi hiệu quả và trên internet, chị nhận thấy nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại và sử dụng công nghệ đệm lót sinh thái balasa trong nuôi gà. Công nghệ này giúp nâng cao năng suất, giảm các bệnh thường gặp và tiết kiệm công lao động. Chị Bé nói: “Mình chăn nuôi lâu dài nên phải tìm hiểu phương pháp bảo vệ môi trường. Đây là công nghệ chăn nuôi an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe gia đình mà còn giữ vệ sinh xung quanh”. Mỗi năm, chị bán 2 lứa gà, mỗi lứa trên 3.000 con, với giá bán trung bình từ 60-70 ngàn đồng/kg, thu lời hơn 100 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Đặng Thị Bé ở xã Đồng Tiến ổn định kinh tế từ chăn nuôi gà

Năm 2017, dự án nuôi bò sinh sản được Hội Nông dân huyện Đồng Phú giải ngân vốn cho 30 hộ nông dân xã Tân Lập vay với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Trong đó, mỗi hội viên vay từ 60-100 triệu đồng và sẽ hoàn trả sau 3 năm. Trong quá trình thực hiện, nông dân được chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên việc chăn nuôi có nhiều thuận lợi, thu nhập ổn định. Gia đình bà Trần Thị Thủy, ngụ ấp 7, xã Tân Lập được vay 60 triệu đồng từ dự án nuôi bò sinh sản. Bà đã đầu tư 45 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản, số tiền còn lại dùng cải tạo chuồng trại, trồng cỏ... Đến nay, đàn bò của gia đình bà đã tăng lên, thời điểm cao nhất là 16 con. Bên cạnh đó, bà còn đầu tư nuôi dê, vịt, gà, cá... để tăng thu nhập gia đình.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đồng Phú đã phát triển được 15 hợp tác xã với 221 thành viên (tăng 11 hợp tác xã so với đầu nhiệm kỳ); 74 trang trại chăn nuôi, trồng trọt với mức thu nhập bình quân từ 700 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm. Một số hợp tác xã đã đăng ký tham gia chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện.

Cùng với ban hành cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng ổn định, bền vững, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, thời gian qua, huyện Đồng Phú đã chỉ đạo ngành chức năng, các xã, thị trấn tập trung xây dựng và thực hiện nhiều dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi phương thức, từ thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, kém hiệu quả sang quy mô trang trại. Tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vệ sinh môi trường và phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn, vận động người dân tiêm vắc-xin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện bình quân đạt 2%/năm. Năm 2015, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi chiếm 25% tỷ trọng ngành nông nghiệp, đến năm 2019 đạt khoảng 33,06%. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 75.501 con, trong đó trâu 500 con, bò 2.650 con, heo 72.351 con; đàn gia cầm 1.500.000 con; hiện có 48 trang trại chăn nuôi (13 trang trại nuôi gia cầm, 34 trang trại nuôi heo, 1 trang trại nuôi bò).

Để hướng tới chăn nuôi phát triển bền vững, mục tiêu của huyện Đồng Phú trong năm 2020 là khuyến khích phát triển chăn nuôi có quy mô vừa và lớn theo hướng trang trại - công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Định hướng tổ chức, sản xuất ngành chăn nuôi gắn với thị trường, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi những con có lợi thế và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

  • Từ khóa
45535

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu