Thứ 7, 27/04/2024 05:31:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:18, 04/08/2020 GMT+7

Động lực phát triển kinh tế vùng biên

Thùy Hương
Thứ 3, 04/08/2020 | 14:18:00 248 lượt xem
BPO - Bù Đốp là huyện biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số và hiện còn 857 hộ nghèo, 942 hộ cận nghèo. Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bù Đốp đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức rà soát các đối tượng có nhu cầu và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả.

Gia đình chị Đồng Thị Bảy ở ấp Tân Lập, xã Phước Thiện mong muốn được hỗ trợ vay vốn thêm để mở rộng chuồng trại chăn nuôi dê

Nguồn vốn an cư lạc nghiệp

Thực hiện mục tiêu giúp người dân an cư lạc nghiệp, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn triển khai hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn sửa và xây nhà ở. Từ năm 2019 đến nay, đã có gần 200 hộ nghèo được vay vốn xây nhà với hơn 2,3 tỷ đồng. Qua đó, giúp hộ nghèo khó khăn về nhà ở xây được những căn nhà vững chắc, từng bước ổn định cuộc sống. 

Bà Đoàn Thị Tấm, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước cho biết: Hưng Phước là xã biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 1.603 hộ dân, trong đó có 151 hộ nghèo và 166 hộ cận nghèo. Xã đang nhận quản lý vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện với gần 30 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 700 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, trung bình mỗi hộ vay từ 25-30 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đời sống từng bước được cải thiện. Qua đó, góp phần cùng với xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Hộ anh Nguyễn Văn Phụng ở tổ 8, ấp Bù Tam, xã Hưng Phước là một trong những hộ khó khăn. Trước đây, mọi nguồn thu chủ yếu dựa vào 1,2 ha tiêu. Thời điểm tiêu được mùa, được giá, gia đình có điều kiện mua phân bón chăm sóc vườn cây và nuôi các con ăn học. Nhưng vài năm trở lại đây, tiêu mất mùa, mất giá, gia đình gặp nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, năm 2017, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho anh vay các gói: Vốn sản xuất - kinh doanh, vốn nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng trị giá 45 triệu đồng. Từ vốn vay ưu đãi, anh đầu tư đào giếng, xây dựng hệ thống công trình phụ phục vụ đời sống gia đình và tưới tiêu vườn cây. Số tiền còn lại, anh đầu tư chăm sóc vườn tiêu và xây dựng chuồng trại nuôi dê. Hiện vườn tiêu phát triển tốt, trung bình mỗi năm thu khoảng 2 tấn hạt. Riêng đàn dê nhờ tận dụng nguồn lá keo sẵn có và đất trống anh trồng thêm cỏ làm thức ăn nên dê sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh. Từ 2 con dê ban đầu, đến nay anh đã nhân đàn lên 20 con. Trung bình 1 năm, gia đình anh bán khoảng 10 con dê thịt, lãi hàng chục triệu đồng.

Vì sự phát triển của nhà nông

Với lợi ích từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH mang lại, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bù Đốp có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đốp, cho biết: Trong thời gian tới, phòng giao dịch sẽ thực hiện các giải pháp như: Lập kế hoạch nhu cầu vốn, sau đó trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt giao chỉ tiêu vốn về địa phương. Đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương trích nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay hỗ trợ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội và đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn. 

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Bù Đốp. Từ các chương trình tín dụng CSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập cao và cuộc sống ngày một khá hơn. 

Theo thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đốp, tổng dư nợ thực hiện đến tháng 6-2020 đạt trên 251 tỷ đồng, trong đó đang hỗ trợ 7.762 lượt khách hàng vay vốn thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Đã giúp 751 lượt hộ nghèo, 1.171 lượt hộ cận nghèo và 1.733 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với gần 100 tỷ đồng, còn lại là các đối tượng khác.

  • Từ khóa
45905

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu