Thứ 7, 27/04/2024 05:03:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:24, 26/05/2020 GMT+7

Để Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo thu hút du khách

Vũ Tiến Dương
Thứ 3, 26/05/2020 | 15:24:00 2,278 lượt xem
BPO - Là một địa danh rất nổi tiếng qua ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo được nhạc sĩ tài hoa Xuân Hồng viết vào năm 1965, ngày nay hễ nhắc đến Bình Phước là mọi người nghĩ ngay đến sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Đây cũng là nôi cách mạng với nhịp chày giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng, Mơnông trong những năm chống Mỹ cứu nước, hầu hết khách ngoài tỉnh khi đến Bình Phước đều hỏi thăm và muốn đến đây.

Sau khi khánh thành đi vào hoạt động, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được tỉnh bàn giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Cơ quan quản lý cách xa sóc, cán bộ hầu hết nhà ở TP. Đồng Xoài, chia theo lịch định kỳ 3-6 tháng để quản lý nên  Bom Bo chưa được quan tâm đầu tư và ngày càng ít khách tham quan. Năm 2018, tôi cùng các cán bộ của Sở Ngoại vụ tiếp đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao vào làm việc về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đoàn cứ nhắc mãi và đề xuất tổ chức tham quan sóc Bom Bo do địa danh này quá nổi tiếng đối với người dân Hà Nội và cả nước nói chung. Ngại quá, chúng tôi đành trả lời hôm nay do đang trùng tu nên hẹn dịp khác vậy!

Hôm nay, đến Bom Bo vào một ngày nắng đẹp, cũng khung cảnh ấy nhưng khi vào nhà trưng bày, tôi thật sự ngỡ ngàng về cách bài trí mô hình cũng như những hình ảnh, hiện vật được sưu tập cùng các bộ đàn đá cổ của kỷ lục gia - nghệ nhân Trương Đình Chiếu phục dựng. Chúng tôi có dịp được thưởng thức ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo qua đôi tay điệu nghệ gõ trên đàn đá của cán bộ phục vụ cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của hướng dẫn viên du lịch tại địa phương.

Sản phẩm thổ cẩm do chính đồng bào S’tiêng dệt may được trưng bày, bán lưu niệm cho du khách tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Rời nhà trưng bày, xe lên đồi tham quan nhà dài và sân sinh hoạt cộng đồng của đồng bào S’tiêng, hôm nay đã được nâng cấp và xây dựng bài bản. Ngoài nhà dài truyền thống, sân sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, những thảm cỏ xanh mướt và điểm trưng bày bán hàng lưu niệm của đồng bào đã tạo nên đường nét tươi mới của sóc Bom Bo.

Lên đồi, gió mát rượi, phóng xa tầm mắt là núi Bà Rá cao vút. Những vườn điều, cao su thu trong tầm mắt cùng những hàng cây xanh um được trồng trên đồi nay rất tươi tốt. Đó là những hàng cây gỗ quý hiếm mà con người nên trân quý để gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Phân cấp, phân quyền từ tỉnh về cho địa phương quản lý và bảo tồn là hoàn toàn hợp lý. Bởi, chỉ có địa phương mới hiểu được mong muốn của đồng bào mình. Từ đó mới khuyến khích tôn tạo, sưu tập những hiện vật mà đồng bào hiến tặng đúng với những giá trị mà sóc Bom Bo được thụ hưởng để quảng bá hình ảnh với du khách. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền nâng cao được trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, qua đó chủ động và sâu sát hơn trong quan hệ với chính quyền xã, thôn, ấp, cùng với kinh phí phân bổ hợp lý sẽ tâm huyết hơn để tiếp tục đầu tư cho vùng đất này.

Với vài món quà lỉnh kỉnh mua ở cửa hàng lưu niệm sau khi tham quan, người bạn làm ở Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận khen rằng sóc Bom Bo làm du lịch đã hướng tới sự bài bản. Tuy nhiên, Bình Phước nên có một số dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi và các hoạt động vui chơi ngoài trời thì du khách sẽ về đông hơn.

Để Bom Bo ngày càng được nhiều người biết đến và là điểm tham quan tương xứng với tiềm năng sẵn có, theo tôi, cần phải có kế hoạch đào tạo hướng dẫn viên du lịch, tốt nhất là để cho đồng bào S’tiêng hướng dẫn sẽ thổi hồn vào những phong tục, tập quán cùng chiến công anh dũng của người dân Bom Bo trong kháng chiến; đồng thời bổ sung, sưu tập những trang sử hào hùng của vùng đất này để làm tư liệu thuyết minh sinh động. Cho thu phí tham quan du lịch, tiếp tục bố trí ngân sách, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để phục dựng, tôn tạo những giá trị lịch sử văn hóa; khuyến khích đồng bào hiến tặng hoặc huyện sẽ mua lại những hiện vật của đồng bào để nhà bảo tàng phong phú về chủng loại, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Trên đồi ở khu vực nhà dài, sân sinh hoạt cộng đồng khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều cây xanh, đây là nơi lý tưởng để xây dựng một nhà hàng phục vụ ăn uống. Tuy nhiên, chúng ta nên làm với quy mô nhỏ khoảng 100 khách trở lại để đón khách, còn thực đơn là những đặc sản của địa phương như: cơm lam, thịt nướng, đọt mây, lá nhíp, canh thục, canh măng chua cá lăng... Đồng thời, giá cả cũng phải chăng và có hậu mãi riêng nhằm khuyến khích hướng dẫn viên ở các công ty du lịch dẫn khách đến đây.

Sau khi khách tham quan, ăn trưa tại khu vực đồi, nên bố trí chỗ nghỉ trưa tạm thời như: võng, ghế bố dựa lưng ở những khu vực mát mẻ dưới tàn cây xanh tốt để du khách nghỉ ngơi cùng với hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ nhằm đảm bảo những nhu cầu tối thiểu để khách thoải mái thư giãn và hồi tưởng về những chiến tích oanh liệt của vùng đất này.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và UBND huyện Bù Đăng làm việc với các doanh nghiệp du lịch lữ hành ở Sài Gòn, khi tổ chức lên chương trình du lịch Tây Nguyên, giới thiệu với họ biết để bố trí tham quan và ăn trưa tại sóc Bom Bo là hợp lý. Sau đó tiếp tục lộ trình đi Tây Nguyên.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ngày nay trên địa bàn xã Bình Minh, chỉ cách quốc lộ 14 khoảng 5km, do vậy xác định 2 chương trình tour khách có thể đến Bình Phước. Thứ nhất, kết nối với một hoặc 2 điểm du lịch cùng tuyến quốc lộ 14 là thác Đứng vào mùa mưa hoặc trảng cỏ Bù Lạch sau khi tham quan sóc Bom Bo nếu khách từ Sài Gòn đi các tỉnh Tây Nguyên hoặc ngược lại từ Hà Nội đi đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và xuống Sài Gòn. Thứ hai, nếu là tour trọn gói tham quan ở Bình Phước thì điểm tiếp theo là kết nối tham quan thị xã Phước Long (tỉnh lỵ đầu tiên ở miền Nam được giải phóng với các điểm núi Bà Rá, nhà máy thủy điện Thác Mơ, sân bay Phước Long...) hoặc Vườn quốc gia Bù Gia Mập đi qua các xã Đường 10, Đắk Nhau.

Trên đây là những ý kiến nhỏ, nhằm giới thiệu và đưa ra những giải pháp theo chủ ý cá nhân tôi, rất mong được đóng góp thêm để ngành du lịch Bình Phước ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách đến với địa danh sóc Bom Bo nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

  • Từ khóa
94275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu