Thứ 7, 27/04/2024 01:57:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:34, 21/01/2015 GMT+7

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thanh niên

Thứ 4, 21/01/2015 | 08:34:00 394 lượt xem
BP - Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã mở thêm cơ hội cho thanh niên nông thôn được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề. Nhờ chọn nghề học phù hợp mà 70% thanh niên ở Xã đoàn Thanh An (Hớn Quản) sau các khóa đào tạo ngắn hạn đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định.


Một lớp dạy nghề cắt tóc của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tại huyện Lộc Ninh - Ảnh: H.C

Cơ hội cho thanh niên nông thôn

Chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tư vấn nghề cho thanh niên nông thôn được Xã đoàn Thanh An triển khai từ năm 2009.

Anh Đinh Văn Tỉnh, Bí thư xã đoàn chia sẻ: “Trước đây, thanh niên trong xã phải đi xa  học nghề vừa tốn kém vừa mất nhiều thời gian, công sức. Nhiều thanh niên đang học đã phải bỏ giữa chừng do không có điều kiện theo học hoặc học xong không kiếm được việc làm. Sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên, xã đoàn phối hợp các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và các công ty để tư vấn hướng nghiệp giúp thanh niên lựa chọn nghề phù hợp hoàn cảnh và năng lực.

 Qua 5 năm triển khai, đến nay Xã đoàn Thanh An đã mở được 18 lớp/432 học viên. Các nghề đào tạo gắn với nhu cầu của thanh niên như: cắt tóc nam, nữ; thú y; sửa chữa, cài đặt, lắp ráp máy vi tính; điện dân dụng; chăm sóc, khai thác cạo mủ cao su; sửa chữa xe máy; quản lý và khai thác mạng; tin học trình độ A; sửa chữa xe ôtô dành cho bộ đội xuất ngũ... Cùng với việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn, công tác hỗ trợ việc làm cho đoàn viên, thanh niên cũng được Xã đoàn quan tâm. Hàng năm, Xã đoàn phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và Công ty vệ sĩ Phương Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2 sàn giao dịch tư vấn nghề và giới thiệu việc làm tại xã cho trên 500 lượt thanh niên. Trong đó, 250 thanh niên tìm được việc làm ổn định.

Hướng đi vững chắc

“Để đào tạo nghề đạt hiệu quả, tránh lãng phí thì đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo thanh niên sống được bằng nghề đã học. Các ngành nghề được thanh niên lựa chọn nhiều là cắt tóc nam, nữ; cạo mủ cao su. Sau khóa đào tạo 3 tháng, 70% thanh niên đều có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Xã đoàn còn phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ thanh niên vay vốn trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như 3 dự án nuôi cá với tổng vốn đầu tư 40 triệu đồng, 1 dự án trồng hoa lan vốn 7 triệu đồng, 1 dự án sản xuất - kinh doanh vốn 100 triệu đồng và 1 dự án dệt thổ cẩm trên 40 triệu đồng đang cho thu nhập ổn định” - Anh Tỉnh cho biết.


Lớp đào tạo tin học thu hút đông học viên thuộc nhiều lứa tuổi tham gia

Các lớp đào tạo nghề tại chỗ cho thanh niên đang tạo ra lợi kép cho địa phương, vừa giải quyết nhu cầu học nghề vừa “giữ chân” thanh niên. Những học viên khó khăn còn được hỗ trợ 15 ngàn đồng/ngày, học viên nhà ở xa được hỗ trợ 200 ngàn đồng/ khóa học... 

“Khó khăn của đoàn xã là chưa xây dựng được lớp học tập trung mà đang phải mượn nhà văn hóa thôn, ấp, phòng học của các trường vào thứ Bảy, Chủ nhật và mướn các tiệm internet tư nhân để làm lớp học... Ngoài ra, chưa có chương trình đào tạo nâng cao tay nghề khi học xong. Học nghề xong cần được hỗ trợ vay vốn ở mức cao hơn để có điều kiện mở tiệm hoặc học nâng cao” - Bí thư Xã đoàn Đinh Văn Tỉnh trăn trở. Và đây cũng là thực trạng chung ở nhiều cơ sở đoàn trong tỉnh, rất mong các cấp bộ đoàn và ngành chức năng quan tâm.

Không chỉ đào tạo nghề cho thanh niên mà các lớp ngắn hạn cũng thu hút nhiều đối tượng khác tham gia. Qua đào tạo, nông dân có nhu cầu học hỏi đã biết thêm kiến thức áp dụng vào lao động sản xuất.

 Anh Thạch Tất Trọng, dân tộc Khơme, đang học lớp vi tính và khai thác internet hào hứng: Từ khi tham gia lớp đào tạo, mình biết đánh máy vi tính, biết “sợt” thông tin trên mạng để tìm hiểu những kiến thức cần thiết phục vụ sản xuất. Ngoài giúp ích cho bản thân, sau khóa học mình hỗ trợ nhiều người trong, ấp áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phù hợp với kinh tế gia đình, nâng cao ý thức sản xuất nông sản sạch, an toàn và hiệu quả.

   Ngân Hà  

 

  • Từ khóa
81495

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu