Thứ 6, 26/04/2024 22:28:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:54, 15/03/2020 GMT+7

Cẩn trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Xuân Túc
Chủ nhật, 15/03/2020 | 08:54:00 476 lượt xem
BPO - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị canh tác là nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi một cách manh mún, không có quy hoạch phù hợp, nông dân rất dễ rơi vào điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng”. Bài học từ cây hồ tiêu là một ví dụ điển hình.

LÚNG TÚNG TRONG CHUYỂN ĐỔI

Cách đây gần 5 năm, gia đình anh Mai Xuân Thắng ở ấp 6, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đầu tư trồng 1,8 ha hồ tiêu. Đây là giai đoạn hoàng kim của “vàng đen”. Để trồng 2.000 nọc tiêu, anh Thắng vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng. Đến thời điểm cho thu hoạch, giá hồ tiêu lao dốc. Vụ 2019, hồ tiêu mất mùa, giá chỉ còn 35 ngàn đồng/kg tiêu khô khiến thu không đủ chi, anh Thắng phải đến ngân hàng vay thêm vốn để đầu tư trồng xen 150 cây sầu riêng. Dự kiến khi sầu riêng ra hoa, gia đình anh sẽ phá bỏ vườn tiêu.

Vườn cam sành gần 9 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa của nhà nông Dương Thanh Xuân (ngoài cùng bên trái) ở ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp bước đầu cho trái ngọt

Cũng trồng xen nhưng hộ anh Hồ Văn Nhật ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh lại chọn cách làm an toàn hơn. Hiện 2,5 ha trồng tiêu của gia đình đã được anh trồng xen 200 cây sầu riêng, 150 cây bưởi, 60 cây bơ và chôm chôm Thái. Anh Nhật cho biết, cách đây 5 năm, khi bắt đầu xuống giống, anh cảm thấy bất an khi nhà nhà đổ xô đầu tư vào cây tiêu. Để an toàn nguồn thu, anh đã trồng xen bưởi da xanh trong vườn tiêu. Hiện vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Khi thấy tiêu mất mùa, rớt giá, anh Nhật chặt bỏ vườn tiêu để đầu tư chăm sóc cây bưởi phát triển.

Năm nay đã ở tuổi 60, gần như dành cả cuộc đời với cây cao su nhưng khi thấy hồ tiêu giá cao chót vót, bà Trần Thị Hạnh ở ấp Tân Đồng, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp đã chuyển đổi trồng 2,4 ha cây hồ tiêu. Nhưng khi 2.500 nọc tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bỗng dưng vườn tiêu chết trắng. Áp lực từ món nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng, bà vội vàng chuyển qua trồng mít Thái siêu sớm với mong muốn nhanh có nguồn thu để trang trải nợ nần. Bà Hạnh cho biết: “Nghe chị em nói mít Thái siêu sớm nhanh cho thu nhập nên mẹ con tôi xuống tận miền Tây lựa giống về trồng với mong muốn sớm có thu để trang trải nợ nần. Thấy người ta bảo có lò thu mua mít về sấy khô mang đi xuất khẩu, không biết có đúng hay không, việc mình thì cứ làm thôi, còn đầu ra tôi chưa nghĩ tới”.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài chú ý chất đất phù hợp, nguồn nước đảm bảo, người dân cần quan tâm đến kỹ thuật. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật phải đảm bảo theo hướng an toàn, chất lượng. Quá trình sản xuất cần nhanh nhạy với yêu cầu thị trường, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm”.

TRIỂN VỌNG TỪ CÂY ĂN TRÁI

Từ vùng đất trũng, 1 năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nhưng do độ phèn cao nên năng suất thấp, vì thế anh Dương Thanh Xuân ở ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp đã chuyển đổi qua trồng cam sành. Nhờ có kinh nghiệm lâu năm gắn bó với cây ăn trái, hiện 9 ha cam sành được chăm sóc theo hướng hữu cơ đã bắt đầu cho thu hoạch, vụ đầu tiên gia đình anh Xuân thu về hơn 2 tỷ đồng.

Anh Hồ Văn Nhật ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh chặt bỏ vườn tiêu để nhường chỗ cho vườn cây ăn trái phát triển

Anh Xuân cho biết, Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái. So với miền Tây trái cây mẫu mã đẹp thì trái cây Bình Phước chất lượng cao hơn. “Tôi không lo đầu ra, chỉ lo giá của sản phẩm. Bởi giá vẫn thường biến động thất thường. Đối với cam sành, giá dao động từ 14-15 ngàn đồng/kg mới có lãi. Còn giá ở mức 10 ngàn đồng/kg chắc chắn chỉ lấy thu để bù chi” - anh Xuân nói.

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh khoảng 11.000 ha. Dự kiến năm 2020 tăng thêm 2.000 ha. Rõ ràng, hiệu quả mang lại từ cây ăn trái khá cao. Tuy nhiên, đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất hoặc người dân tự chuyển đổi đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung... Đến nay, đầu ra chưa ổn định, còn lệ thuộc nhiều vào mùa vụ, thương lái, khiến nông dân dù đã chuyển đổi nhưng luôn thấp thỏm lo âu, “may nhờ, rủi chịu”.

Tính đến tháng 5-2019, trên địa bàn tỉnh có 16.987 ha hồ tiêu, vượt quy hoạch 6.987 ha, tập trung chủ yếu ở Lộc Ninh 4.743 ha, Bù Đốp 4.489 ha, Bù Gia Mập 1.983 ha, Hớn Quản 2.006 ha, thị xã Bình Long 1.190 ha... Theo đề án tái cơ cấu, năm 2020 diện tích hồ tiêu của tỉnh ổn định ở mức 14.500 ha. Để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, ngành nông nghiệp đã phối hợp UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích cây tiêu; không trồng lại tiêu ở những diện tích bị bệnh chết. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển qua trồng sầu riêng, mít, chanh dây, chuối, cây có múi...

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh khuyến khích người dân phát triển cây ăn trái theo hình thức hợp tác xã, từng bước liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã về giống, kỹ thuật, kho bãi, điều kiện đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm. Đối với nông dân, ngành nông nghiệp khuyến khích chú trọng chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hàng hóa, có hợp đồng với doanh nghiệp nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn, được chứng nhận Vietgap, hướng tới chứng nhận hữu cơ. Tránh tình trạng người dân chuyển đổi một cách tự phát, manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả không cao.

“Trước mắt, ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn, mở rộng vùng sản xuất cây ăn trái, đặc biệt là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi, mít Thái, xoài, nhãn... Đồng thời hỗ trợ đào tạo quản trị, kỹ thuật để hợp tác xã có thể tự hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ. Tránh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không có hợp đồng, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu thị trường” - bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.

  • Từ khóa
45548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu