Thứ 3, 30/04/2024 19:21:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:45, 07/12/2019 GMT+7

Hiểm họa từ heo nhập lậu

Thứ 7, 07/12/2019 | 08:45:00 360 lượt xem
BP - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có Công văn số 2344/TCQLTT-THKHTC gửi cục quản lý thị trường các tỉnh có đường biên giới với Campuchia về tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo nhập lậu. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hiểm họa từ heo nhập lậu trong bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến khó lường.

Bệnh dịch tả heo châu Phi bắt đầu xuất hiện ở nước ta vào đầu tháng 3 năm nay, sau đó lan rộng ra 8.296 xã, thị trấn thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số heo bị bệnh phải tiêu hủy trên 5,7 triệu con, với trọng lượng hơn 327.000 tấn. Để dập tắt dịch bệnh, ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi còn khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn... dẫn đến việc đàn heo ở nước ta đã giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng heo xuất chuồng quý 3/2019 đạt 710.000 tấn, giảm hơn 17% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, thịt heo đang thiếu hụt trầm trọng nên giá cả trên thị trường tăng cao chóng mặt. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng đã tổ chức buôn lậu heo qua biên giới. Chỉ riêng trong tháng 11, các ngành chức năng đã phát hiện trên các tuyến biên giới, nhất là đoạn biên giới giáp nước bạn Campuchia hàng chục vụ nhập lậu. Trong đó, tỉnh An Giang đã bắt được 15 vụ nhập lậu heo từ Campuchia về với số lượng 4.000 con. Tỉnh Long An đã tiêu hủy hơn 100 con heo nhập lậu từ Campuchia về, với tổng trọng lượng gần 10 tấn... Dự báo, từ nay đến tết Nguyên đán, nước ta sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt heo... càng làm cho tình hình nhập lậu heo thêm phức tạp.

Là tỉnh nằm trong “vòng xoáy” của bệnh dịch tả heo châu Phi nên hoạt động chăn nuôi ở Bình Phước bị thiệt hại rất đáng kể. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy trên 21.200 con heo với tổng trọng lượng 1.127.000kg. Hiện toàn tỉnh có 62 xã trong tổng 99 xã, thị trấn có dịch đã qua 30 ngày nhưng không xảy ra tình trạng tái dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình tái đàn ở Bình Phước cũng đang gặp không ít khó khăn nên việc thiếu hụt thịt heo trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng làm ăn phi pháp nhắm đến những hoạt động buôn bán, vận chuyển heo nhập lậu từ Campuchia vào tỉnh nhằm kiếm lời bất chính.

Việc vận chuyển, buôn bán heo nhập lậu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với hoạt động chăn nuôi ở nước ta nói chung. Bởi, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi ở Campuchia vẫn chưa được kiểm soát. Nhiều địa phương của nước bạn sát biên giới nước ta đang bị dịch tả heo châu Phi hoành hành. Trong khi đó, heo ở Campuchia chủ yếu nhập lậu từ Thái Lan, một nước cũng đang bùng phát mạnh bệnh dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, nếu không kiểm soát được tình hình nhập lậu heo qua biên giới sẽ mang thêm mầm bệnh vào nước ta và sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho ngành chăn nuôi.

 Do đó, ngoài trách nhiệm của ngành chức năng, cần phải huy động mọi nguồn lực để đấu tranh hiệu quả trong công tác chống nhập lậu heo để ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ngăn chặn được dịch bệnh sẽ góp phần phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi và công nghiệp sản xuất chế biến thịt ở nước ta hiện nay.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu