Thứ 3, 30/04/2024 23:34:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:36, 14/11/2017 GMT+7

Các hãng hàng không vẫn “nắm đằng chuôi”

Thứ 3, 14/11/2017 | 08:36:00 120 lượt xem
BP - Từ ngày 1-11-2017, ngành hàng không sẽ thực hiện chính sách bồi thường mới cho hành khách khi hủy hoặc chậm chuyến bay kéo dài. Đó là thông tin đáng chú ý tại Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015//TT-BGTVT.

Theo đó, các hãng hàng không phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên và phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến. Ngoài phục vụ ăn uống cho hành khách tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến, Bộ GT-VT cũng quy định 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay. Cụ thể, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200 ngàn đồng/người/đường bay dưới 1.000km đến 400 ngàn đồng/người/đường bay từ 1.000km. Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000km đến 150 USD/người/đường bay trên 5.000km. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của những người thường xuyên phải di chuyển bằng đường hàng không. Sự điều chỉnh mức độ bồi thường theo hướng có lợi hơn cho hành khách khi bị chậm, hủy chuyến bay cho thấy Bộ GT-VT đã tăng cường kiểm soát và tăng chế tài hơn đối với các hãng hàng không trong nước.

Từ trước tới nay, tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không trong nước đã trở thành chuyện quá bình thường. Bất kể ai sử dụng dịch vụ hàng không đều trở thành nạn nhân của việc chậm, hủy chuyến bay. Đáng nói là cách hành xử của các hãng đều rất khó chấp nhận. Có những chuyến bay bị hoãn tới 3 lần nhưng hãng cố tình không thông báo trước mà cứ để hành khách chờ đợi tại sân bay, gần tới giờ bay theo quy định lại thông báo hoãn. Và người bị thiệt hại luôn là hành khách, nhẹ thì thiệt hại về kinh tế, sức khỏe (vì phải ăn uống đắt đỏ trong sân bay với tâm trạng bực dọc). Nhiều trường hợp gia đình có sự cố gấp như ma chay, cưới xin hoặc thực hiện các giao dịch quan trọng khác thì thiệt hại là không thể tính được. Trước tình trạng chậm, hoãn chuyến bay của các hãng hàng không ngày càng tăng, ngày 16-8-2017, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra 3 tổng công ty thuộc ngành hàng không, gồm Vietnam Airlines, Quản lý bay Việt Nam và Cảng Hàng không Việt Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ chậm, hủy chuyến của Vietnam Airlines là 11-13% nhưng của Vietjet và Jetstar lên đến hơn 30%. Tổ công tác đã kết luận nguyên nhân chậm, hủy chuyến là do năng lực vận hành của các hãng.

So với Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT thì mức bồi thường theo Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT đã nâng lên cao hơn. Tuy nhiên nhiều người cho rằng vẫn chưa thỏa đáng, còn quá lạc hậu so với thông lệ quốc tế. Nhẽ ra hoãn, hủy chuyến bay do lỗi chủ quan thì phải phạt thật mạnh chứ không phải chỉ là bồi thường rẻ mạt như thế. Bên cạnh đó, vẫn còn một bất cập trong Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT là ở nhiều nước, việc bồi thường do hãng hàng không quy định chứ không do nhà nước. Vấn đề này nên để các hãng cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn, hãng A bồi thường 1 triệu đồng cho hành khách nếu bị hủy, hoãn chuyến nhưng hãng B muốn thu hút khách thì có thể công bố mức bồi thường lên 2 triệu đồng... Hơn nữa, các hãng hàng không vẫn “nắm đằng chuôi”, bởi chỉ cần nhắn tin thông báo chậm chuyến trước vài tiếng đồng hồ theo quy định là không phải bồi thường, cho dù mức bồi thường theo Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT vẫn chưa thấm vào đâu so với thiệt hại mà khách hàng phải gánh chịu.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu