Thứ 6, 26/04/2024 21:47:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:35, 26/02/2019 GMT+7

Ý nghĩa chiến lược của việc đưa dân ra đảo

Thứ 3, 26/02/2019 | 15:35:00 4,657 lượt xem
BP - Ngoài những đảo và quần đảo xa bờ, vùng biển ven bờ nước ta có khoảng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó vẫn còn nhiều hòn đảo chưa có người ở. Đảo ven bờ có vai trò và vị trí rất quan trọng, bởi đây là những tiền đồn cố định vững chắc, khống chế hầu hết vùng biển gần bờ, tạo thành bức tường kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng. Đảo ven bờ là những nơi triển khai, bố trí lực lượng quốc phòng rất thuận lợi trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì vậy, việc đưa cư dân ra đảo sinh sống, làm ăn lâu dài có ý nghĩa chiến lược đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

HỆ THỐNG ĐẢO VEN BỜ

Thực tế cho thấy, đưa dân ra các đảo định cư là một trong những chính sách quan trọng trên nhiều phương diện của mỗi quốc gia có biển. Trong bối cảnh hiện nay, đưa dân ra hải đảo sinh sống có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh, quốc phòng và nền kinh tế của địa phương có biển. Chính sách này vừa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia vừa tạo ra một môi trường sinh sống mới của người dân trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Đối với các đảo ở vị trí quan trọng nhưng chưa có dân cư thì phải tạo cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt tốt nhất để người dân có thể đến sinh cơ lập nghiệp.

Một góc khu dân cư trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh tư liệu

Cả nước hiện có 12 huyện đảo, là đơn vị hành chính quản lý dân cư và mọi mặt hoạt động trên từng hòn đảo, kể cả đảo chưa có người ở. Hệ thống đảo ven bờ có vai trò to lớn trong tất cả lĩnh vực của đất nước; là cơ sở pháp lý về mặt lãnh thổ để xác định chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, làm cơ sở để giải quyết tranh chấp ở các vùng chống lấn. Hệ thống đảo ven bờ tiếp nối và phát huy thế mạnh của vùng duyên hải để tiến ra biển khơi, góp phần thúc đẩy và tác động lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là cửa ngõ giao lưu văn hóa, kinh tế với nước ngoài. Ngày nay, ở 12 huyện đảo hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội đã hoàn thiện, đạt được nhiều thành tựu to lớn, xây dựng các xã đảo ngày càng vững mạnh. Diện mạo nhiều hòn đảo đã hoàn toàn đổi thay, đời sống người dân được nâng cao, xứng đáng là lá chắn vững chắc nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Những năm gần đây, mô hình “Xây dựng đảo thanh niên” đang được các địa phương có biển, đảo tiếp tục thực hiện đưa cư dân trẻ ra các đảo sinh sống lâu dài. Phong trào này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Tổ quốc.

CHÍNH SÁCH ĐƯA DÂN RA ĐẢO

Ngày 19-2-2019, đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, tổ chức tiếp nhận thêm 3 hộ dân, với 13 người xung phong ra sinh sống trên hòn đảo tiền tiêu này, nâng số hộ dân toàn đảo hiện nay lên hơn 20 hộ. Các hộ mới cũng được hưởng chế độ như những hộ từng ra đảo trước đó. Cụ thể, mỗi hộ sẽ được cấp 1 ngôi nhà rộng 42m2 trên nền đất 200m2, được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng đầu. Ngoài ra, các hộ này còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, giống vật nuôi và cấp vốn vay 50 triệu đồng không cần thế chấp.

Không phải đến ngày nay mà từ thế kỷ XVII những đội dân binh đã được Nhà nước phong kiến Việt Nam đưa ra 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 1816, chúa Nguyễn đã cử đội thủy binh đầu tiên ra đảo phối hợp với dân binh bảo vệ vùng biển và khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Họ được triều đình cấp lương thực để sống trong 6 tháng, sau đó trở về đất liền tránh bão. Hiện nay, chúng ta cũng đang học cách của cha ông thuở trước nhưng với điều kiện mới, có thể xây dựng cơ sở kỹ thuật hiện đại hơn để người dân sinh sống lâu dài trên đảo. Điều đó không chỉ giúp ngư dân đánh bắt cá xa bờ cảm thấy yên tâm hơn mà còn là cách khẳng định chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc. 

Trong quá trình thực hiện việc di dân ra đảo, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và thực thi các giải pháp cụ thể. Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển kinh tế đảo đến năm 2020 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách định cư ở đảo, hải đảo. Theo quyết định này, bên cạnh mục tiêu giữ vững chủ quyền biển, đảo, một nhiệm vụ quan trọng khác là phải nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong nền kinh tế cả nước lên khoảng 0,5% vào năm 2020. Đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ đích đến năm 2030 là: “Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...”.

Mục tiêu mà nghị quyết của Đảng đề ra là nhiệm vụ rất quan trọng đã và đang được thực hiện trên phạm vi cả nước mà trọng tâm là tại 28 tỉnh, thành phố có biển đảo. Quốc gia biển phải có công dân biển. Đây là một trong những nhân tố hàng đầu để Việt Nam trở thành quốc gia giàu và mạnh lên từ biển. Vì vậy, công tác ổn định cư dân vùng biển, ven biển và nhất là tại các đảo phải thực sự được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài.

 Đức Hồng

  • Từ khóa
111375

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu