Thứ 6, 26/04/2024 13:36:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:22, 07/07/2019 GMT+7

Xử án như thần

Chủ nhật, 07/07/2019 | 10:22:00 1,230 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Mại là người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh, nay là thôn Ninh Quang, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1655 và đến năm 37 tuổi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức hoàng giáp) khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Hy Tông.

Lúc đầu, Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công (đời Lê Dụ Tông). Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Mại gắn bó nhiều năm với mảnh đất xứ Đoài (tức Sơn Tây). Ông được giới quan trường đương thời ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực, xét xử các việc công minh. Còn trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng ông là Bao Công của đất Việt, bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như thần. Vì thế, xung quanh ông đã nảy sinh nhiều câu chuyện vừa thực lại vừa huyền bí.

Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu “tâm lý học tội phạm”, và chính điều ấy khiến cho giới tội phạm cũng phải “khẩu phục, tâm phục”. Khi ông còn làm Đốc trấn Cao Bằng, lúc đó ở đây thường có giặc cướp từ Quảng Tây (Trung Quốc) tràn sang. Nhận thấy đây chỉ là bọn trộm cắp vặt chứ không phải bọn muốn chiếm đất trấn giữ lâu dài, nên ông bố trí lực lượng bắt gọn bọn này. Cả 3 lần bắt xong, ông đều phủ dụ rồi thả cho chúng về, không đánh đập cũng không sức giấy sang Quảng Tây nhờ trừng trị giúp. Quả nhiên, bọn cướp đã biết hối cải, không dám sang cướp lần thứ 4 nữa. Còn khi đang làm Đốc trấn ở Sơn Tây, một hôm công sở của ông chẳng may bị cháy. Trại giam bọn trộm cướp xứ Đoài cũng ở ngay gần đấy. Không ngần ngại, ông hạ lệnh thả họ ra, rồi nhờ họ dập tắt đám cháy. Khi đám cháy được dập tắt, các phạm nhân lại bảo nhau trở về trại giam để chờ quan Đốc trấn xét hỏi, chứ không một ai nhân đấy mà chạy trốn.

Một lần ở trong ngôi chùa lớn vùng Sơn Tây, khi các tăng, ni về tụ hội rất đông, lại xảy ra một vụ mất trộm. Nhà sư trụ trì liền phái người đến dinh quan Đốc trấn trình báo và xin phân xử giúp. Không chậm trễ, Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét và thấy vật bị mất là một tấm “lăng là” mà chỉ những người trong giới tu hành mới cần dùng đến. Hơn nữa, vật cũng chỉ mất khi các tăng, ni đến đây đông, nên không thể có kẻ gian là người ngoài giới tu hành lọt vào. Nghĩ đoạn, ông liền cho tập hợp tất cả tăng, ni lại, bảo họ trồng cây phướn lớn và đốt hương. Sau đó, ông phát cho mỗi người một viên tràng hạt, dặn rằng: “Đây là tràng hạt lấy từ đền Sòng lại đã được niệm chú, nên nếu ai để rơi mất, ắt sẽ bị liên lụy đến tính mạng”, rồi bảo họ đi vòng quanh cây phướn và lò hương, vừa đi vừa tụng kinh và giữ lấy viên tràng hạt. Bản thân ông đứng ở thềm chùa, tay chắp miệng lẩm bẩm như thể đang tụng kinh, nhưng mắt lại chú ý quan sát tăng ni đang dạo quanh cây phướn. Ông nhận thấy một ni cô cứ thỉnh thoảng lại giở viên tràng hạt ra xem, và cử chỉ có phần như giấu giếm. Lập tức, ông bảo mọi người dừng cả lại, rồi ra lệnh bắt ni cô kia. Sau khi ông trực tiếp xét hỏi, người ấy đã thú nhận lấy trộm tấm “lăng là”.

Và trong những vụ xử án của ông, khi điều tra ra thủ phạm thường thì ông chỉ bắt họ trả lại tài sản mất cắp, ngoài ra không xử thêm hình phạt nào khác. Trong vụ án đã nêu, sau khi tìm ra thủ phạm lấy trộm tấm “lăng là”, Nguyễn Mại cũng không bắt phạt gì thêm. Tuy nhiên, với tội trộm cắp tài sản thì ngày nay pháp luật quy định rõ ràng về hình thức xử phạt. Và tùy theo mức độ vi phạm, giá trị tài sản bị trộm cắp mà định khung hình phạt cho người vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Lời bàn:

Quận công Nguyễn Mại là người văn võ song toàn, vị quan thanh liêm, chính trực, được người dân nể trọng và gọi là Bao Công đất Việt. Trong giới quan trường đương thời, ông được ca ngợi là vị quan xét xử các việc công minh, không sợ cường quyền. Nguyễn Mại từng thẳng thắn chỉ trích lối sống xa hoa của chúa Trịnh và mặc dù chúa Trịnh có phần phật ý nhưng vẫn kính nể và trọng dụng ông.

Và theo nội dung của giai thoại này, Nguyễn Mại quả là người có cái uy của một vị quan xử kiện nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu tâm lý con người. Chính điều ấy đã khiến các tội nhân phải “khẩu phục, tâm phục”. Cho đến nay, mặc dù đã gần 300 năm kể từ khi ông qua đời nhưng không chỉ người dân xứ Đoài, mà tất cả những người làm việc có liên quan đến pháp luật vẫn không quên truyền tai nhau những giai thoại đẹp về một tấm lòng trong sạch, một tài năng đức độ, một vị quan thanh liêm sáng suốt và một vị Bao Công của nước Việt lưu danh muôn đời.

N.D

  • Từ khóa
110201

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu