Thứ 6, 26/04/2024 23:56:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:54, 08/05/2013 GMT+7

Văn minh hay tiến bộ?

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:54:00 93 lượt xem

* Điều 16 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều có nội dung hoàn toàn mới. Ở Khoản 1 của điều này có quy định như sau: 1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bởi mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, nói cách khác là mọi người có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền của người khác. Tuy nhiên, nếu quyền ấy là chính đáng không có gì để nói, để bàn ở đây. Nhưng nếu quyền của người khác lại là quyền không chính đáng, không hợp pháp mà buộc mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng thì hoàn toàn không ổn. Vì vậy, tôi đề xuất ở khoản này cần được bổ sung cụm từ “hợp pháp”  ngay sau cụm từ “tôn trọng quyền”. 1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền hợp pháp của người khác.

* Khoản 3, Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định ngắn gọn như sau: 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Thậm chí, quy định như vậy có khi còn gây sự hiểu lầm là pháp luật chỉ nghiêm cấm những hành vi phân biệt đối xử về giới, tức là những hành vi bất bình đẳng về giới. Trong khi đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, hành vi siêu âm để xác định giới tính và loại bỏ thai nhi nếu giới tính không như mong muốn của cha mẹ đã và đang xảy ra. Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung nội dung cần được nghiêm cấm nữa là hành vi loại bỏ giới tính khi mang thai. Như vậy, Khoản 3, Điều 27 được viết lại như sau: Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới và hành vi loại bỏ giới tính khi mang thai.

* Khoản 1, Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) có nội dung như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Ở đây, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đưa ra một số nguyên tắc về kết hôn giữa nam và nữ, như: Tự nguyện - một vợ, một chồng - vợ chồng bình đẳng - tôn trọng lẫn nhau... Tất cả những nguyên tắc này xét về khái niệm thì ai cũng hiểu, cũng biết nên dễ đi vào cuộc sống và dễ thực hiện. Duy chỉ có nguyên tắc “tiến bộ” là có vấn đề cần phải bàn và cần được xem xét lại.

Theo “Từ điển tiếng Việt” của nhà xuất bản Thanh niên năm 2002, ở trang 886 thì tiến bộ có nghĩa là: Bước tới trước, vươn tới trước - ví dụ: Tư tưởng tiến bộ. Nếu đặt khái niệm trên vào để xem xét nguyên tắc “tiến bộ” trong hôn nhân là không phù hợp. Vì, hai từ “tiến bộ” thường được dùng trong các bản báo cáo, đánh giá hay tổng kết hoặc đề ra phương hướng của một nhiệm vụ nào đó. Hơn nữa, bản thân hai từ “tiến bộ” có khái niệm rất rộng, khó định nghĩa một cách chính xác. Thực tế cuộc sống cho thấy, ở cùng một thời điểm nhưng tại các vùng miền khác nhau hay ở quốc gia khác nhau và tùy theo hoàn cảnh, cũng như mức độ phát triển mà giới hạn của sự “tiến bộ” cũng được xác định khác nhau. Từ đó, người ta cũng có thể đưa ra khái niệm khác nhau về sự tiến bộ. Vì vậy, tôi đề xuất nên thay thế từ “tiến bộ” bằng từ “văn minh”. Do đó, Khoản 1 của Điều 39 được viết lại như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, văn minh, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

*  Ở Khoản 1, Điều 59 có quy định như sau: 1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa đúng, chưa chặt chẽ. Cụ thể là: Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, chứ Nhà nước không trực tiếp sử dụng, mà giao cho tổ chức và tổ chức lại ủy quyền cho cá nhân có trách nhiệm sử dụng vào những công việc cụ thể, như: Chi cho sản xuất - kinh doanh hoặc các hoạt động dịch vụ và trả lương cho người lao động. Mà thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, việc quản lý cũng như sử dụng công quỹ, công sản... còn nhiều bất cập. Thậm chí, có nơi, có đơn vị còn để xảy ra tình trạng thất thoát công quỹ hoặc công quỹ bị bớt xén, tham nhũng của công, lạm quyền trong việc sử dụng công sản... nhưng lại hoàn toàn không có chế tài nào ngăn chặn hoặc ngăn ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra như đã nêu trên.

Vì vậy, tôi đề xuất ở Điều 59, cần bổ sung thêm khoản thứ 3 với nội dung như sau: 3, Người được giao nắm giữ ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm việc sử dụng ngân sách có hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Như vậy, Điều 59 sẽ có 3 khoản như sau: 1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 2. Ngân sách nhà nước là thống nhất gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật. 3, Người được giao nắm giữ ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm việc sử dụng ngân sách có hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.   

Vĩnh Hòa

 

  • Từ khóa
108205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu