Thứ 7, 27/04/2024 07:42:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:27, 10/06/2017 GMT+7

Tích cực đưa vốn chính sách đến với người dân

Thứ 7, 10/06/2017 | 15:27:00 123 lượt xem
BP - Một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo trong quá trình vươn lên làm kinh tế hiện nay vẫn là thiếu vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Thấy rõ điều này, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã tạo mọi điều kiện để người nghèo trên địa bàn được tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn

Trao cần câu chứ không trao con cá” là phương châm Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Bù Gia Mập đặt ra để tạo điều kiện giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo. Là hộ khó khăn, không có tiền đầu tư phát triển sản xuất, chị Trần Thị Bảy ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tổ ủy thác vay vốn của Hội Phụ nữ xã. Chị kể: “Khi chưa được vay vốn, gia đình khó khăn lắm. Vợ chồng tôi đi làm thuê chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vườn điều của nhà đến vụ thu được trái nào hay trái đấy chứ không có tiền cải tạo, chăm sóc. Thế nên ngay khi nhận được vốn vay, tôi đã đầu tư mua phân bón cho cây điều, giúp cây xanh tốt nên đạt năng suất cao hơn, thu nhập cũng ổn định”.

Bà Nhành chăm sóc đàn heo tích lũy từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bù Gia Mập

Để người nghèo dễ tiếp cận các nguồn vốn thì hoạt động ủy thác thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức hội, đoàn thể là hết sức quan trọng. Qua những kênh hỗ trợ này, việc triển khai rà soát các đối tượng hưởng thụ nguồn vốn đều được thực hiện đúng trình tự và đối tượng, đảm bảo vốn đến tay người dân nhanh nhất.

Bà Trần Thị Mai Nhành ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa cho biết: “Vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp nên mình không lo. Đến nay, sau khi trả xong vốn vay, gia đình tôi có đàn heo rừng hơn 20 con, mỗi năm thu nhập trên 20 triệu đồng. Cuộc sống dần ổn định”.

Quản lý nguồn vốn hiệu quả

Hiện toàn bộ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đều được ủy thác thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của địa phương. Những tổ này có nhiệm vụ tập hợp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống.

“Nếu thời hạn vay là 5 năm thì sau khi vay 30 ngày chúng tôi đến kiểm tra xem các hộ vay có sử dụng đúng mục đích hay không. Sau đó, trong các kỳ họp, sinh hoạt phụ nữ hằng tháng chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động chị em sử dụng vốn đúng mục đích, đóng lời đầy đủ, trả đúng hạn. Đồng thời, trong tổ cũng làm bản cam kết giữa các thành viên với nhau” - bà Lại Thị Khuyên, Tổ trưởng tổ vay vốn, tiết kiệm xã Phú Nghĩa nói. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách được tiếp cận đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, tiếp tục tạo điều kiện để thành viên được hưởng linh hoạt các chương trình tín dụng ưu đãi.

Đến nay, ngân hàng đã triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng chính sách. Trong đó, 2 chương trình tín dụng có số dư nợ nhiều nhất là cho vay ưu đãi hộ nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã làm cho hoạt động tín dụng chính sách trở thành điểm tựa của hộ nghèo vươn lên, giúp người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống. Theo đánh giá, mỗi năm mức tăng trưởng bình quân của ngân hàng đạt từ 10-15% trên tổng dư nợ và trong tốp an toàn về nợ quá hạn. Ông Nguyễn Quang Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bù Gia Mập khẳng định: Ngân hàng có nhiều khâu để bảo vệ vốn vay hiệu quả nhất; đồng thời thành lập ban đại diện để nắm bắt kịp thời những vấn đề xảy ra. Do đó, nợ quá hạn của chi nhánh Bù Gia Mập đến thời điểm này chưa xảy ra vấn đề khó giải quyết và ngày càng giảm so với những năm trước.

Theo thống kê, đến nay tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bù Gia Mập đạt khoảng 306,766 tỷ đồng. Trong thời gian tới, để đồng vốn tiếp tục phát huy hiệu quả, ngân hàng sẽ tiếp tục phân bổ hợp lý đến từng địa bàn, đặc biệt tập trung những khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ vốn vay của người dân.

Thảo Lê

  • Từ khóa
41730

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu