Thứ 7, 27/04/2024 03:06:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 12:35, 19/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Thu nhập tiền tỷ nhờ giữ đất

Ngọc Bích
Thứ 4, 19/10/2016 | 12:35:00 121 lượt xem
BP - Với gần 30 ha cao su đang cho thu hoạch và trại nuôi heo quy mô 1.000 con, ông Đoàn Ngọc Chuẩn được mệnh danh là tỷ phú của xã Bình Minh (Bù Đăng). Có được thành quả này là cả một quá trình lao động cơ cực mà vợ chồng ông đã trải qua.

Năm 1994, ông Chuẩn từ bỏ công việc ổn định ở Lâm trường Đường 10 (Bù Đăng) đến xã Bình Minh làm rẫy trước sự ái ngại của người thân và bạn bè. Vùng đất Bình Minh thời đó là rừng lồ ô, lùm cây, cỏ tranh bạt ngàn nên làm nông chỉ nhờ vào sức người và ý chí bởi máy móc, vật tư nông nghiệp là những thứ xa vời.

Ông Đoàn Ngọc Chuẩn chăm sóc đàn heo của gia đìnhÔng Đoàn Ngọc Chuẩn chăm sóc đàn heo của gia đình

Những năm đầu, do diện tích đất sản xuất lớn, ông phải thuê nhiều nhân công nên mọi chi phí, từ trả công lao động đến đầu tư sản xuất đều “dựa vào” ngân hàng. “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn để ở ngân hàng do năm nào cũng vay. Tới ngày đáo hạn do chưa đến mùa vụ không có tiền tôi phải vay nóng với lãi suất cao, có lần gia đình phải trả tiền lãi vay nóng gần 40 triệu đồng trong một tuần. Xót tiền nhưng làm nông thời đó khó khăn, thu nhập không ổn định, lại chưa tìm được cây trồng phù hợp dẫn đến thất bại, chưa kể việc được mùa mất giá, được giá lại mất mùa” - ông Chuẩn cho biết.

Vốn đầu tư phải vay ngân hàng, nhưng khâu trừ cỏ, phòng cháy chữa cháy lại là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với nông dân thời điểm đó. Để hạn chế “giặc lửa”, ông chọn hướng canh tác đa canh với nhiều loại cây trồng, như điều, xoài, sầu riêng... và trồng xen dưới tán các cây hoa màu như dưa leo, bí đỏ... “Nếu bán đất rồi tiêu xài cũng hết nên vợ chồng tôi xác định phải giữ đất sản xuất. Có đất thì đầu tư canh tác hết, làm không xuể cho các hộ không có đất thuê trồng bo bo, mì, bắp, thậm chí cho hộ nghèo mượn đất trồng cây. Nhiều khi cho thuê đất nhưng mình phải lo cơm ăn, bán thiếu gạo để họ có động lực gắn bó lâu dài” - bà Trần Thị Huyền, vợ ông Chuẩn nói.  

Với cách làm kinh tế theo hướng đa canh đã tạo sự ổn định trong sản xuất nhưng chế độ chăm sóc, đầu tư mỗi loại cây khác nhau. Sau đó, vợ chồng ông Chuẩn đã chuyển sang độc canh cao su. Năm 2009, giá mủ cao su tăng, gia đình ông trả hết nợ cũ lẫn nợ mới và đầu tư trại heo với quy mô 2 tỷ đồng.

Để tiết kiệm chi phí đầu tư, ông xây dựng hệ thống hầm biogas chứa nước và chất thải từ nuôi heo để lấy khí đốt phục vụ sinh hoạt và tạo phân bón cho cao su. Do chuồng trại được xây dựng thông thoáng, có hệ thống thoát nước tự động và thu gom, xử lý chất thải nên không gây ô nhiễm môi trường. Ông còn dùng hệ thống máy tưới, đưa phân đến bón từng gốc cây nên vườn cao su quanh năm xanh tốt.

Hiện bình quân mỗi năm gia đình ông xuất bán 3.000 con heo thương phẩm và khoảng 60 tấn mủ cao su khô, sau khi trừ chi phí, ông thu khoảng 2,3 tỷ đồng. Gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, đồng thời đóng thuế và các khoản phúc lợi xã hội khoảng 60 triệu đồng/năm.

Từ tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu và tích cực tham gia các phong trào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn, ông đã vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liền (2011-2015).

  • Từ khóa
40783

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu