Thứ 7, 27/04/2024 09:46:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:19, 27/06/2015 GMT+7

Thêm một mùa lều chõng

Thứ 7, 27/06/2015 | 15:19:00 121 lượt xem

BP - Năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và đại học thành kỳ thi “hai trong một” nên thi chậm hơn một tháng so với trước. Vì thế, thời điểm này thằng con anh bạn tôi chưa đến nỗi phát sốt lên vì kỳ thi. Nó đã trải qua hai mùa thi mà vẫn chưa thực hiện được ước mơ của bạn tôi là thay ba nó bước chân vào giảng đường đại học. Lực học của nó chỉ ở mức trung bình khá nên kỳ thi đầu tiên, nó dè dặt đề xuất với ba mẹ cho đi học nghề. Bạn tôi trợn mắt, sao lại học nghề? Cả đời ba mẹ làm nghề rồi thì mày không phải làm nữa. Nhiệm vụ của mày là phải vào bằng được đại học. Trường nào cũng được nhưng cứ phải là đại học!

Năm đầu tiên, dù đã nỗ lực, dù đã được cộng 1,5 điểm ưu tiên vùng khó khăn, nó vẫn thiếu 2 điểm so với điểm sàn. Tháng 9, thấy bạn bè khăn gói đi học, đi làm, nó muốn đi làm công nhân để có thu nhập đỡ đần ba mẹ nhưng bạn tôi gạt đi, bắt nó tập trung dùi mài kinh sử để năm sau thi tiếp. Nghe một số người trong cơ quan tư vấn nên cho nó xuống thành phố ôn luyện chứ với sức học của nó mà ôn ở tỉnh thì khó đậu. Anh phải cậy cục nhờ người quen cho con ở trọ trong nhà, suốt gần 10 tháng trời chỉ học 3 môn. Thi thoảng xuống thành phố thăm, thấy con gầy rộc đi vì học, anh cũng thấy xót nhưng trong lòng lại tràn đầy hy vọng. Nó học đến rạc người đi như thế thì phải có kết quả tốt chứ. Về cơ quan, anh khoe với mọi người: Lò luyện thành phố có khác. Năm nay thằng cu nhà tôi có vẻ vững vàng lắm, hy vọng sẽ đậu.

Tới ngày thi, anh xin nghỉ phép đích thân đưa con đi, còn cẩn thận đặt chỗ trọ ngay gần cổng trường nơi con thi để tiết kiệm thời gian đi lại cho con có sức khỏe, trong lúc con thi, anh có thể nghỉ ngơi ở phòng trọ. Nhưng kỳ thực anh đứng ngồi không yên. Trong lúc con vật lộn làm bài, anh cứ đau đáu ngoài cổng trường chờ đợi. Thi xong, mọi người trong cơ quan xúm vào hỏi thăm. Thông qua thái độ của con, anh không dám hùng hồn tuyên bố như sau hôm xuống thăm nó dưới thành phố mà chỉ dè dặt nói, đề năm nay khó quá. Thằng cu nhà tôi học đến rạc người đi như thế mà làm vẫn chưa hết bài. Rồi anh cười cầu tài, vẻ tự tin hôm nào đã giảm đi rất nhiều. Có tiếng ì xèo sau lưng, đề thi đại học năm nào chả khó. Thế mới là thi đại học!

Kết quả kỳ thi thứ hai, khoảng cách tới giảng đường đại học của con trai anh dài thêm... 1 điểm nữa, nghĩa là thiếu 3 điểm. Vợ anh thở dài, con trai anh bỏ ăn, nhưng anh không nản và lên dây cót cho con “Ngày xưa ông nội mày quảy gạo đi ba ngày đường để dự kỳ thi Hương mà còn thi đến ba năm. Giờ mày đi thi có xe đưa rước tận nơi, có phòng trọ để nghỉ thì sướng quá còn gì. Thua keo này ta bày keo khác”.

Mùa thi năm nay, biết Bộ Giáo dục - Đào tạo đổi mới kỳ thi, suốt từ đầu năm học, anh đã đọc không sót một bài nào trên Báo Giáo dục & Thời đại và Báo Tuổi trẻ về việc tổ chức kỳ thi. Trong lúc nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra u mơ về kỳ thi thì anh đã hiểu rất rõ chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo và quả quyết: Con cứ học ôn ở tỉnh, đăng ký thi ở tỉnh, không phải đi đâu cả. Trời không phụ người có tấm lòng đâu!

Thấy cha con anh cứ chới với mãi chuyện vào đại học bằng mọi giá, nhiều người góp ý anh đừng làm khổ con nữa. Có người nói huỵch toẹt: Việc quái gì ông cứ phải ép con vào đại học. Sức lực nó đến đâu thì cho nó học đến đó. Ai cũng đại học thì lấy ai làm thợ, lao động chân tay? Anh lại cười, cười mà như mếu: Bác cứ nói thế. Đành là đào tạo đại học bây giờ có nhiều vấn đề lắm, nhưng có tý đại học vẫn hơn. Thằng cu nhà em sẽ lều chõng thêm một lần nữa. Quá tam ba bận mà vẫn thua thì em sẽ cho nó đi học nghề!

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
85192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu