Thứ 7, 27/04/2024 07:08:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:30, 23/04/2018 GMT+7

Sôi nổi lễ hội văn hóa - thể thao các DTTS Bù Đốp

Thứ 2, 23/04/2018 | 14:30:00 206 lượt xem
BP - Trong 2 ngày 20 và 21-4, tại Bù Đốp diễn ra lễ hội văn hóa - thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2018. Lễ hội có sự tham gia của trên 150 nghệ nhân, diễn viên và thu hút hàng ngàn khán giả đến cổ vũ cho chương trình.

Món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại ngày hội

Huyện Bù Đốp có 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số với 16 dân tộc anh em gồm: Tày, Nùng, Dao, Thái, Khơme, S’tiêng, Hoa... sinh sống đều khắp trên địa bàn 7 xã, thị trấn. Lễ hội văn hóa - thể thao là sân chơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ. Các diễn viên, nghệ nhân tham gia những hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể dục, thể thao như: thi làm nhà sàn, nhà rông, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, trình diễn trang phục, đẩy gậy, kéo co...Đặc biệt, qua chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, các đoàn giới thiệu đến lễ hội những món ăn đặc trưng của các dân tộc như canh bồi, canh thục, cơm lam, thịt nướng ống tre của người S’tiêng; heo quay lá mắc mật, canh chày của người Tày, Nùng; món khấu nhục của người Hoa... Cùng với âm vang cồng chiêng rộn ràng của người S’tiêng, tiếng túc - tinh trữ tình của người Tày, Nùng, vũ điệu lâm thôn của người Khơme..., càng làm không khí ngày hội thêm rộn ràng, vui tươi.

Tiết mục múa ô của đồng bào Thái

Đặc biệt, lễ hội năm nay có nhiều nét mới. Trong đó, việc tổ chức các hoạt động không trùng lắp về thời gian đã tạo điều kiện cho mọi người tích cực hưởng ứng tham gia và đến cổ vũ. Từng đơn vị đã chọn lọc kỹ từng nội dung tham gia lễ hội để “trình làng” nét chính, cái hay, cái độc đáo của xã, ấp, sóc mình, giúp người xem nhận biết đặc thù trong đời sống văn hóa các dân tộc anh em. Diễn viên không chuyên đã thể hiện khá tự tin các bài dân ca, múa dân gian cùng với việc sử dụng thuần thục nhạc cụ truyền thống. Bên cạnh đó, làm nhà sàn, nhà rộng đẹp đòi hỏi các đoàn phải thể hiện đúng nét đặc trưng của dân tộc mình cả về vật liệu và kích thước; về văn hóa ẩm thực cũng chọn những món ăn, đồ uống mang tính đặc sản... Ngoài ra, lễ hội còn trưng bày triển lãm trên 200 hiện vật gốc từ 16 dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Khu vực trưng bày tái hiện nghề dệt thủ công của các dân tộc vùng trung du, miền núi phía Bắc và đồng bào S’tiêng bản địa. Đặc biệt, dưới bàn tay khéo léo con người đã tạo ra những nông cụ hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp như cung, nỏ, xà gạt...

Trò chơi tìm vợ của đồng bào Khơme tái hiện tại ngày hội

Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới gắn kết keo sơn hơn. Lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với văn hóa lâu đời của cư dân; đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú, với những giá trị nghệ thuật riêng vốn có. Từ đó, mỗi người càng thêm trân trọng, giữ gìn và phát huy để những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào luôn được trao truyền qua nhiều thế hệ, trường tồn với thời gian.             

Đức Trung

  • Từ khóa
93613

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu