Thứ 7, 27/04/2024 11:19:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 11:59, 26/10/2013 GMT+7

Quyền của đại biểu Quốc hội

Thứ 7, 26/10/2013 | 11:59:00 104 lượt xem

Điều 85 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có quy định như sau: 1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. 2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. 3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

Nếu quy định như trên, theo ý kiến tôi là đã hạn chế quyền của Đại biểu Quốc hội và vô tình tạo kẽ hở để các đại biểu Quốc hội không làm trọn trách nhiệm của mình trước các cử tri. Vì trong điều này tuy đã liệt kê khá nhiều đối tượng thuộc diện phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Theo tôi thì những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng là đối tượng cần được các đại biểu Quốc hội chất vấn và họ có trách nhiệm phải trả lời đầy đủ những chất vấn của đại biểu. Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung và viết lại điều này như sau: 1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong thời gian Quốc hội không họp thì trả lời tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. 3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

Điều 89 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 87), có nội dung như sau: 1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội. 2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật trước Quốc hội. Theo tôi, để quy định trong Hiến pháp được rõ nghĩa, đúng ngữ nghĩa, chuẩn về ngôn từ thì ở ngay sau cụm từ “Hội đồng dân tộc” cần được bổ sung từ “các”. Vì trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội ở nước ta không chỉ có một ủy ban, mà có nhiều. Sau khi bổ sung, Điều 89 được viết lại như sau: 1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội. 2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật trước Quốc hội.

Điều 90 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 88, Điều 93), có quy định như sau: 1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. 2. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ và chưa phù hợp với tình hình thực tế khi Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung một số nội dung mới vào điều này và viết lại như sau: 1. Làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, quyết định rút ngắn hay kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; Các luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; Pháp lệnh, nghị quyết phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành. 2. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được công bố chậm nhất là hai mươi lăm ngày, kể từ ngày được thông qua; 3. Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua.

NN

  • Từ khóa
108268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu