Thứ 7, 27/04/2024 03:42:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 21:32, 08/07/2012 GMT+7

Đề án khuyến công - thêm động lực cho doanh nghiệp

Chủ nhật, 08/07/2012 | 21:32:00 204 lượt xem

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị, song tốc độ còn chậm, chưa đồng đều và chưa theo định hướng phát triển rõ rệt. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ các đề án đầu tư đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đã hội nhập thì sự tồn tại của doanh nghiệp phải gắn liền với đổi mới và quản lý công nghệ. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm chi phí để cạnh tranh hay không phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Nhằm giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết khó khăn về công nghệ, trong những năm qua, phần lớn nguồn kinh phí hoạt động của khuyến công tập trung thực hiện các mô hình trình diễn và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Công ty TNHH Tấn Toàn, doanh nghiệp chuyên chế biến hạt điều ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được nhận nguồn hỗ trợ từ dự án khuyến công quốc gia tại tỉnh năm 2012.

Dây chuyền mới máy bắn màu của Công ty TNHH Tấn Toàn

Công ty TNHH Tấn Toàn được thành lập và hoạt động từ cuối năm 2004. Ban đầu công ty chỉ có hơn 50 công nhân với 1 cơ sở. Sau gần 8 năm hoạt động đã có 1 điểm chính và 3 chi nhánh với hơn 300 công nhân. Cũng như các doanh nghiệp sản xuất điều trong tỉnh, ban đầu, toàn bộ các khâu sản xuất của công ty đều thực hiện thủ công hoặc có thiết bị cũng chỉ là lạc hậu. Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã tạo ra chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Nhận thấy được điều này, công ty đã tăng cường đổi mới trang thiết bị. Theo ông Đỗ Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Tấn Toàn, công ty hiện đã đầu tư máy bóc vỏ lụa, máy sàng sống, máy sàng hạt bể, máy phân loại hàng sống, lò sấy, nồi hơi lớn, máy phân cỡ nhân xuất khẩu, máy đóng gói xuất khẩu, máy bắn màu... ước tính gần 10 tỷ đồng. Gần đây, công ty đầu tư thêm 3 dây chuyền máy chẻ hạt điều, trị giá gần 1,8 tỷ đồng. Việc đầu tư trang thiết bị máy móc vào dây chuyền sản xuất đã giảm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho công nhân. Công ty TNHH Tấn Toàn tự hào là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất, chế biến điều xuất khẩu.

Trong dự án đầu tư máy chẻ hạt điều của công ty Tấn Toàn có sự hỗ trợ từ ngành khuyến công tỉnh. Số tiền gần 200 triệu đồng được hỗ trợ lần này sẽ là nguồn động viên lớn trong quá trình sản xuất và phát triển của công ty.

Công ty TNHH Lành Hưởng đóng trên địa bàn huyện Bù Đăng cũng xác định việc đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Dù doanh nghiệp mới hoạt động gần 5 năm nhưng công ty đã có 1 điểm chính và 1 chi nhánh với gần 150 công nhân làm việc thường xuyên. Công ty đã nhập máy bắn màu, máy bóc vỏ lụa để phục vụ sản xuất.

Là đơn vị mới nhưng do tiếp cận được thông tin nên những tháng đầu năm 2012, công ty Lành Hưởng đã nhận hỗ trợ từ nguồn khuyến công 100 triệu đồng để trang bị máy bắn màu trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu. Từ khi có máy bắn màu, năng suất hoạt động của công ty tăng lên đáng kể. Cứ 1 giờ máy bắn màu có thể phân loại được 2 tấn điều nhân. Theo ông Đặng Hữu Lành, Phó giám đốc công ty, từ khi có máy bắn màu đã giải quyết được 50% lượng hàng phân theo cách thủ công với độ chính xác trên 90%. Hiện nay công suất hoạt động của công ty đã tăng lên đáng kể. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập của công nhân và chất lượng sản phẩm.

KHUYẾN CÔNG VỚI VAI TRÒ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Hoạt động khuyến công đã tạo sự chuyển biến sâu sắc cho ngành công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ 1 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, trong đợt I-2012, Trung tâm Khuyến công tỉnh thực hiện 8 đề án khuyến công. Nguồn vốn tập trung hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, truyền nghề, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Những đề án được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, công tác khuyến công của tỉnh đang gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất. Nguyên nhân là do hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn lao động, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, thị trường tiêu thụ, lãi suất ngân hàng... Trong khi nguồn ngân sách cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, phần kinh phí hỗ trợ không hoàn lại cho từng đề án chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng mức đối ứng nên chưa hấp dẫn được doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền các chính sách khuyến công đến doanh nghiệp còn chậm, yếu nên doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Theo bà Trần Thị Kim Huyên, Phó giám đốc Trung tâm khuyến công, tư vấn và phát triển công nghiệp Bình Phước, những khó khăn nói trên đã làm hạn chế hoạt động khuyến công của tỉnh cũng như nhiệm vụ của trung tâm.

Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng có thể nhận thấy nguồn khuyến công đã mang lại lợi ích thiết thực, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, góp phần bảo đảm môi trường. Hoạt động khuyến công đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Vũ

  • Từ khóa
36232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu